Hành trình xây cơ ngơi hàng nghìn tỉ
Bà Nguyễn Thị Loan sinh năm 1970 tại Thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Điều thú vị là, mặc dù xuất thân là một Tiến sỹ Kinh tế nhưng nữ doanh nhân gốc Hoà Bình lại không khởi nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, mà là tài chính, khi bà có nhiều năm công tác tại BIDV, từng làm tới Trưởng phòng Quản lý rủi ro tại ngân hàng này.
Khi 21 tuổi, bà Loan làm kế toán viên cho Công ty TNHH Thịnh Phát (1991-1992). Giai đoạn 1993-1994, bà Loan đảm nhận vai trò Kế toán trưởng của Công ty Thịnh Phát. Tuy nhiên, bà Loan nhanh chóng rời Thịnh Phát để gắn bó với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tới 12 năm, trải qua nhiều vị trí, từ chuyên viên đến trưởng phòng.
Trong suốt 10 năm từ 1995 - 2005, Chủ tịch VMD là chuyên viên tại BIDV. Sự nghiệp của bà Loan có bước tiến vào năm 2005, khi bà được bổ nhiệm Phó trưởng phòng Quản lý rủi ro của BIDV, sau đó là Trưởng phòng Quản lý rủi ro (2006-2007).
Ở tuổi 38, nữ cán bộ Ngân hàng BIDV khởi nghiệp với Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (tháng 2/2008) và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT từ năm 2008 đến nay.
Vài tháng sau khi Chứng khoán Hòa Bình được thành lập, doanh nghiệp này đã trở thành cổ đông chiến lược của VMD tháng 8 năm 2008.
Tiền thân của VMD chính là doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên như Lao Động đã thông tin, từ chỗ sở hữu 51% vốn VMD sau khi cổ phần hóa (2006), tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại đây đã nhanh chóng “bốc hơi” trong giai đoạn 2008 - 2010 do bị pha loãng cổ phiếu sau nhiều lần phát hành tăng vốn. Trong đó, có lần phát hành chui. Hiện, nhóm của bà Nguyễn Thị Loan đang nắm giữ hơn 52% vốn của VMD. Từ tháng 4.2009 đến nay, bà Loan lần lượt giữ ghế Phó Chủ tịch HĐQT rồi Chủ tịch HĐQT VMD (2012).
Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của VMD, bà Loan đã rất nhạy bén dùng VMD làm đòn bẩy để từ đó phát triển Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) với hệ sinh thái bao gồm: tài chính, y dược và bất động sản.
Hơn 1 năm sau khi rời ghế Trưởng phòng Quản lý rủi ro của BIDV, bà Nguyễn Thị Loan đã nhanh chóng phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình từ điểm tựa VMD.
Bà Loan là một trong những cổ đông sáng lập của Tập đoàn Vimedimex Group, được thành lập ngày 13.4.2009. Vimedimex Group hiện có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng - lớn gấp 20 lần VMD “gốc” đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Không chỉ y dược, Vimedimex Group còn phát triển thương hiệu bất động sản Vimefulland với hàng loạt dự án được giới thiệu trên website chính thức như: Helianthus center Red River, The Jade Orchid, The Lotus Center, Eden Rose, Iris Garden, Athena Fulland, The Emeralda, Belleville Hà Nội.
Những dự án này đều có quy mô khoảng 1.000 căn hộ, hầu hết nằm trong các quận nội thành, tập trung ở khu vực Cầu Gấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai.
Không chỉ tham vọng ở mảng dược, bất động sản và chứng khoán, bà Loan còn thể hiện tham vọng trong cả lĩnh vực ngân hàng. Trước đó, bà Loan từng có thời gian làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Á (VietABank) từ năm 2011 và rút lui khỏi nhà băng này chỉ sau một năm.
Đánh vụ lớn, đại gia Nguyễn Thị Loan bị bắt
Mới đây, Cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội đã khởi tố bà Nguyễn Thị Loan (SN 1970) - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vimedimex và 7 bị can khác cũng bị khởi tố, bắt giam gồm: Vương Thị Thu Thủy - cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh; Nguyễn Thị Diệu Linh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá và đầu tư Hà Nội; Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Ngọc Thắng cùng là thẩm định viên của Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội cùng 3 người thuộc các công ty kinh doanh bất động sản về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" khiến dư luận quan tâm.
Theo tài liệu điều tra, khu đất gần 5ha ở xã Cổ Dương, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội ban đầu được Công ty Cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng. Thế nhưng, trước yêu cầu của 1 cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, đơn vị thẩm định giá hạ giá xuống còn khoảng 300 tỷ đồng.
Để hoàn thiện chứng thư thẩm định giá, Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan và đồng phạm đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ. Bằng nhiều thủ đoạn, công ty thẩm định giá đã hạ giá thẩm định đất xuống còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi, giá đất giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng từ 60 - 70 triệu đồng/m2.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex lập nhiều công ty để làm "quân xanh, quân đỏ" tham gia đấu giá khu đất trên. Một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Kết quả điều tra xác định chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bà Loan đã bán khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu/m2 tùy vị trí.