![]() |
CEO Xiaomi lên tiếng sau thời gian biến mất khỏi mạng xã hội |
Trong bài đăng dài trên mạng xã hội Weibo, ông Lei Jun - Chủ tịch kiêm CEO Xiaomi - thừa nhận ông vừa trải qua “quãng thời gian khó khăn nhất” kể từ khi sáng lập công ty vào năm 2010. Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào cuối tháng 3 tại tỉnh An Huy (Trung Quốc), khi chiếc SU7 Ultra lao vào dải phân cách với tốc độ 116 km/h trong lúc chế độ hỗ trợ lái được kích hoạt, khiến ba người tử vong. Hệ thống chỉ đưa ra cảnh báo yêu cầu người lái tiếp quản trong vòng hai giây, quá ngắn để tránh hậu quả thảm khốc.
Dù không trực tiếp nhắc đến vụ tai nạn, sự lên tiếng của ông Lei được coi là lời phản hồi cá nhân đầu tiên sau nhiều tuần im lặng trước làn sóng chỉ trích. Ông chia sẻ đã hủy họp, tạm ngừng công tác và rút khỏi mạng xã hội để “chữa lành cả thể chất lẫn tinh thần”, đồng thời cảm ơn sự động viên từ cộng đồng giúp ông dần lấy lại dũng khí để tiếp tục.
Trong suốt tháng 4, tài khoản Weibo của ông Lei chỉ đăng tải 21 bài viết, phần lớn là quảng bá sản phẩm. Trái lại, chỉ riêng tuần cuối tháng 3, ông từng chia sẻ tới 33 bài, bao gồm nhiều nội dung cá nhân.
Vụ tai nạn mới nhất của chiếc SU7 Ultra làm dấy lên tranh cãi về hệ thống hỗ trợ lái trên SU7 - vốn chỉ đạt cấp độ 2+ theo tiêu chuẩn SAE quốc tế, nghĩa là người lái vẫn phải hoàn toàn kiểm soát phương tiện. Tuy nhiên, nhiều người dùng tại Trung Quốc lại lầm tưởng đây là công nghệ tự lái hoàn toàn. Sự mơ hồ trong truyền thông và quảng bá đã khiến Xiaomi bị cáo buộc "thổi phồng" khả năng thực tế của xe, từ đó khiến người dùng mất cảnh giác khi vận hành.
Trước áp lực dư luận, chính quyền Trung Quốc đã triệu tập hơn 60 công ty công nghệ và sản xuất ô tô để chấn chỉnh hoạt động phát triển xe tự lái. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin yêu cầu doanh nghiệp không được phóng đại khả năng hệ thống hỗ trợ lái. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi minh bạch hơn trong công nghệ và đảm bảo quy trình an toàn.
Không lâu sau vụ tai nạn, Xiaomi tiếp tục hứng chịu làn sóng chỉ trích mới khi tung ra bản cập nhật phần mềm 1.7.0 cho SU7 Ultra, khiến công suất xe bị giới hạn từ 1.548 mã lực xuống còn khoảng 900 mã lực trong điều kiện lái thông thường. Để khai thác tối đa hiệu suất, người dùng buộc phải hoàn thành một vòng đua hợp lệ theo chế độ Ranking Mode - điều kiện khiến nhiều người mua xe cảm thấy bị “qua mặt” sau khi đã chi hơn 529.900 NDT (khoảng 1,85 tỷ đồng) cho chiếc sedan hiệu suất cao.
Ngoài ra, bản cập nhật còn yêu cầu người lái phải chờ 60 giây trước khi có thể sử dụng Launch Control (hỗ trợ đề-pa nhanh), khiến trải nghiệm tăng tốc tức thì, vốn là điểm bán hàng quan trọng, bị ảnh hưởng rõ rệt.
Phản ứng dữ dội từ cộng đồng khiến Xiaomi buộc phải rút lại bản cập nhật và cam kết minh bạch hơn trong tương lai. “Chúng tôi muốn người dùng trải nghiệm hiệu suất này một cách an toàn”, đại diện Xiaomi Auto nói, đồng thời nhấn mạnh rằng mức công suất tối đa chỉ nên được sử dụng trong điều kiện đường đua chuyên biệt và với người điều khiển có kinh nghiệm.
Thách thức với Xiaomi không chỉ dừng ở một vụ tai nạn hay một bản cập nhật phần mềm gây tranh cãi. Đây là bài kiểm tra lớn đầu tiên với hãng công nghệ khi “dấn thân” vào ngành công nghiệp ô tô, lĩnh vực có yêu cầu cực cao về độ an toàn, sự tin cậy và minh bạch công nghệ. Việc phóng đại khí động học của nắp capo bằng sợi carbon, mà sau đó Xiaomi phải thừa nhận chủ yếu là để trang trí, càng khiến hãng mất điểm trong mắt người tiêu dùng.
Chiếc SU7 Ultra từng được CEO Xiaomi mô tả là “lần khởi nghiệp cuối cùng trong đời”, được kỳ vọng cạnh tranh sòng phẳng với những cái tên lớn như Porsche Taycan Turbo hay Tesla Model S. Xe có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong 1,98 giây và tốc độ tối đa hơn 350 km/h, nhưng cũng đặt ra bài toán nan giải giữa hiệu suất, an toàn và quyền lợi người dùng trong kỷ nguyên xe điện “định nghĩa bằng phần mềm”.
Khủng hoảng hiện tại là lời cảnh báo không chỉ cho Xiaomi mà cho toàn ngành công nghiệp ô tô thông minh tại Trung Quốc khi hiệu suất không thể đi trước an toàn, và công nghệ cần được minh bạch hóa thay vì trở thành chiêu bài tiếp thị. Nếu muốn tiếp tục hành trình đầy tham vọng trong lĩnh vực xe điện, Xiaomi buộc phải tái định hình cách truyền thông, lắng nghe người dùng và đặt chuẩn mực an toàn lên hàng đầu. Đó không chỉ là thách thức, mà là điều kiện sống còn của hãng xe điện non trẻ này.