CEO Sam Altman tuyên bố không kiện DeepSeek bất chấp áp lực cạnh tranh |
Tuần trước, khi DeepSeek nổi lên như một đối thủ đáng gờm của ChatGPT nhờ khả năng suy luận mạnh mẽ trong khi chi phí đào tạo "siêu rẻ", OpenAI lên tiếng rằng có công ty Trung Quốc "đang tích cực tìm cách sao chép mô hình AI tiên tiến" của mình, nhưng không kết luận DeepSeek có vi phạm các điều khoản dịch vụ hay không.
Khi được hỏi về động thái của OpenAI với đối thủ từ Trung Quốc tại một sự kiện ở Nhật Bản vừa qua, CEO OpenAI Sam Altman nói: "Chúng tôi không có kế hoạch kiện DeepSeek bây giờ. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm tuyệt vời và dẫn đầu thế giới".
"DeepSeek chắc chắn là một mô hình ấn tượng, nhưng chúng tôi tin sẽ tiếp tục thúc đẩy ranh giới và cung cấp sản phẩm tuyệt vời. Vì vậy chúng tôi rất vui khi có thêm một đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi đã có nhiều đối thủ trước đây, và việc tiến lên và tiếp tục dẫn đầu là vì lợi ích của mọi người", ông nói thêm.
OpenAI từng cáo buộc một số đối thủ đang sử dụng phương pháp "chưng cất" (distillation), tức là sử dụng công nghệ và kỹ thuật chuyển kiến thức từ một mô hình AI lớn được đào tạo trước để tạo ra mô hình AI nhỏ hơn nhưng có hiệu suất tương đương).
Tuy nhiên, chính OpenAI cũng đang đối mặt với nhiều cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là việc sử dụng các tài liệu có bản quyền để huấn luyện các mô hình AI tạo sinh của hãng.
Nhận xét mới nhất của CEO OpenAI diễn ra trong bối cảnh công ty này đang chịu sức ép mạnh mẽ từ công ty AI mới nổi của Trung Quốc, DeepSeek. DeepSeek đã thu hút sự chú ý gần đây với chatbot AI R1 hứa hẹn có chi phí thấp và hiệu suất cao. DeepSeek tuyên bố dự án của họ là "mã nguồn mở" và hướng đến cộng đồng, điều này trái ngược với các giải pháp "đóng" của OpenAI và Google. Đến thời điểm hiện tại, số lượt tải DeepSeek trên kho ứng dụng của Apple đã vượt ChatGPT.
Thuật ngữ "mã nguồn mở" (open source) xuất hiện từ khi lĩnh vực phần mềm ra đời, trong đó phần mã nguồn của một hệ thống được phát hành công khai trên các nền tảng chia sẻ, có thể truy cập rộng rãi, bất kỳ ai cũng có thể nghiên cứu, sửa đổi và phát triển ứng dụng trên đó.
Meta của Mỹ, DeepSeek của Trung Quốc và Mistral tại Pháp đều đang đi theo hướng này. Giám đốc AI của Meta Yann LeCun cho biết ý nghĩa lớn nhất từ thành công của DeepSeek là cho thấy giá trị của mô hình AI mã nguồn mở so với mô hình độc quyền. Các mô hình Llama của Meta hiện chủ yếu là mã nguồn mở, cho phép truy cập miễn phí vào các chi tiết quan trọng, giúp các nhà phát triển và công ty khác tùy chỉnh mô hình để sử dụng cho mục đích riêng.