Tham gia chương trình gồm các thành viên Câu lạc bộ Trái tim người lính miền Tây (CLB TTNLMT) cùng thân nhân của gia đình liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh.
Giao lưu với Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn đã đến Đồng Hới, Quảng Bình, với sự đón tiếp nồng hậu của các cựu chiến binh Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (TTTS). Tại buổi giao lưu, các cựu chiến binh đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm chiến trường, chia sẻ những công việc giúp đỡ đồng đội và tri ân liệt sĩ. CLB TTNLMT tặng sách Trái tim người lính miền Tây và cuốn nhật ký “Khát vọng sống và yêu” của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh cho Hội TTTS.
Ông Nguyễn Quốc Trưởng - Chủ tịch Hội TTTS tỉnh Quảng Bình cho hay, Hội TTTS - đường Hồ Chí Minh, hiện có 5.500 cựu chiến binh, với tuổi đời trên bảy mươi, là những người từng trực tiếp tham gia chiến đấu và xây dựng tuyến chiến lược Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khi trở về với đời thường, nhiều chiến sĩ Trường Sơn còn mang trên mình thương tích, có người bệnh tật do nhiễm chất độc da cam Dioxin; có nhiều đồng chí là hộ nghèo, cận nghèo và có người đơn thân không nơi nương tựa. Tiến tới kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2024), Hội TTTS sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, kêu gọi xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Chủ tịch CLB TTNLMT Nguyễn Công Trung bày tỏ: “Chúng ta đang hưởng trong hoà bình từ công lao của các anh hùng liệt sĩ, từ máu xương của bao lớp cha anh đi trước nên ai cũng phải có nghĩa vụ tri ân những người có công, truyền tiếp lửa cho thanh niên; kết nối và chia sẻ để làm tốt việc đền ơn đáp nghĩa. Một ánh lửa nhóm lên sẽ thành một ngọn lửa lan tỏa; đôi môi có hé mở thì mới có nụ cười; bàn tay có mở rộng thì tâm hồn mới đón được hạnh phúc về lòng ta”.
Nhớ về quá khứ, ông Trung nói thêm, một thời cùng đồng đội lội suối, băng rừng, ăn cơm vắt, uống nước trâu đầm, nhớ những cơn sốt rét tím ngắt môi khô,cuộc đời người lính chỉ đơn giản một điều là hướng nòng súng về quân thù, quên cả mạng sống. Huân huy chương đeo trên ngực có được là xuất phát bằng chính lòng yêu nước của mình…
Sau hoạt động giao lưu ý nghĩa với những người lính Trường Sơn, Đoàn đến dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài mẹ Suốt, nữ Anh hùng Lao động thời kháng chiến chống Mỹ. Mẹ là người đã lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964 - 1967. Mẹ hy sinh ngày 21/8/1968 sau loạt bom bi của địch.
Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Phạm Văn Thuận, thành viên CLB Trái tim người lính miền Tây đã đọc những dòng thơ về sự tôn kính đối với người Anh hùng dân tộc hết sức cảm động.
“Từ nhiều nơi chúng con về Quảng Bình
Thắp nén nhang lòng trước anh linh Bác Giáp
Một nhà giáo văn, hiện thân thành võ
Phẩm hạnh đức tài lịch sử mãi tôn vinh
Vị tướng nhân dân không danh hiệu anh hùng
Nhưng danh tiếng vọng năm châu, bốn bể…”
Cựu chiến binh Phan Thanh Hùng, nguyên Trợ lý thông tin Văn phòng Quân khu 1, từng hai lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bồi hồi nhớ lại: “Trong một lần đến thăm Đại tướng nhân dịp sinh nhật ông 86 tuổi, chúng tôi được nghe Đại tướng kể chuyện về Điện Biên Phủ. Người có nói với chúng tôi một câu làm tôi nhớ mãi: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là tất yếu, vì chúng ta có một vị tướng rất tài giỏi, đó là tướng nhân dân”. Câu nói đó khiến chúng tôi suy nghĩ và cảm phục về nhân cách và sự giản dị của người …”
Trước mộ Đại tướng, cựu chiến binh Nguyễn Công Trung, Chủ tịch CLB TTNLMT đã báo cáo những việc đã và đang làm và hứa sẽ làm tốt công tác tri ân liệt sĩ, giúp đỡ đồng đội: “Trước anh linh của Đại tướng, chúng tôi xin được kính cẩn nghiêng mình dâng lên đại tướng nén hương thơm, bày tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn. Xin thay mặt Câu lạc bộ Trái tim người lính Miền Tây, chúng tôi xin hứa với Đại tướng sẽ nổ lực cao nhất để phát triển CLB với phương châm: “Kết nối và chia sẻ” – “Tri ân và tôn vinh”, qua đó truyền cảm hứng về truyền thống và lịch sử hào hùng cho thế hệ trẻ…
Đến cầu Hiền Lương – sông Bến Hải
Cầu Hiền Lương – Sông bến Hải địa danh lịch sử gắn liền với những trận đánh ác liệt. Nhiều ký ức để lại cho đoàn, khi tưởng nhớ về một thời chia cắt hai miền Nam – Bắc.
Sau Hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết ngày 20/7/1954, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng do sự phá hoại của phe đối đầu, cho đến 1975, đất nước mới giành được độc lập. Cuộc chiến trở thành sự kiện quan trọng trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, mở đường cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Địa đạo Vĩnh Mốc
Đoàn đến địa đạo Vĩnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong 114 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh, hình thành trong thời chiến. Trước sự đánh phá của không quân và pháo binh Mỹ, làng Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch bị thiệt hại nặng nề, nhưng với tinh thần "một tấc không đi, một ly không rời", quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, nhằm bám đất, bám làng để chiến đấu.
Thành cổ Quảng Trị
Thành Cổ Quảng Trị nằm kế bên dòng sông Thạch Hãn được coi là nghĩa trang không nấm mồ, đây là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì sự thống nhất đất nước. Đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ (28/6/1972 – 16/9/1972), nhiều người đã cảm phục trước sự hy sinh anh dũng của quân và dân Quảng Trị.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, một cựu chiến binh từng làm nhiệm vụ chiến đấu ở Thành cổ nhớ lại: “Tôi là một người lính từng tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, nhưng về đây, tôi thật sự xúc động. Sự hy sinh nhiều nhất ở đây là đồng bào, chiến sĩ Quảng Trị, chủ yếu là những người con ở Vĩnh Linh và Gio Linh, gồm những người dân công, dân binh làm nhiệm vụ tiếp tế đạn dược và lương thực cho các chiến sĩ Thành Cổ. Hồi đó phương tiện thô sơ nhưng nhân dân đã giúp cho bộ đội vượt qua mọi khó khăn, góp phần cho sự thắng lợi vẻ vang đến ngày hôm nay…”
Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn
Trong chiến tranh, Quảng Trị là địa bàn bị đánh phá ác liệt nhất. Từng tấc đất nơi đây nhuộm thắm máu đào của biết bao liệt sĩ. Đất nước hòa bình, thống nhất, Quảng Trị lại trở thành “cõi tâm linh” khi nhận nhiệm vụ chăm sóc gần 6 vạn mộ liệt sĩ, là con em của mọi miền đất nước, quy tập ở 72 nghĩa trang liệt sĩ.
Nghĩa trang Trường Sơn, nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ. Đây là nơi an nghỉ của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đoàn đã dâng hương và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ với sự thành kính và lòng biết ơn sâu sắc.
Nghĩa trang Đường 9
Nghĩa trang Đường 9, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 6 km về phía Tây. Nơi đây quy tụ gần 11 ngàn một liệt sĩ, trong đó có nhiều ngôi mộ tập thể và hàng ngàn mộ chiến sĩ chưa xác định danh tính. Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tiền thân là nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà, xây dựng từ năm 1983-1984, nằm trên một vùng đồi quay mặt ra hướng quốc lộ 9. Các liệt sĩ nằm tại đây gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi đây còn có sự yên nghỉ của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh, một người con của đất Phú Thọ. Anh ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ, với bao ước mơ, hoài bão còn dở đã ghi chép trong 12 cuốn nhật ký, và sau này được em trai của liệt sĩ là ông Bùi Hùng Tuấn tổng hợp in thành sách “Nhật ký Khát vọng sống và yêu”.
Trong chuyến hành trình về nguồn lần này, Đoàn cũng đã đến huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị; giao lưu với lực lượng bảo vệ đảo, tặng quà cho học sinh nghèo trên đảo và đến viếng đài tưởng niệm 104 chiến sĩ ta hy sinh từ năm 1960 – 1965.
Đoàn cũng đã tặng 21 suất học bổng Bùi Kim Đỉnh cho học sinh nghèo hiếu học vượt khó tại huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị, do người thân và bạn bè lớp Luật T1 của em trai liệt sĩ đóng góp.
Hoạt động cuối cùng trong chương trình là buổi giao lưu nghĩa tình đồng đội với Câu lạc bộ Trái tim người lính miền Trung – Tây Nguyên tại TP. Đà Nẵng.
Đào Nhân