CAP hay Chính sách nông nghiệp chung của EU - Điều gì sẽ xảy ra vào năm 2023?

08:52 29/12/2022

Với sự chấp thuận kế hoạch CAP của Hà Lan vào ngày 13 tháng 12 năm 2022, sau nhiều tuần tranh luận, chương trình trợ cấp nông nghiệp mới của EU đã sẵn sàng có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2023.

 

Chính sách nông nghiệp chung của EU (CAP) là gì?

Ra mắt vào năm 1962, Chính sách nông nghiệp chung của EU (CAP) là mối quan hệ đối tác giữa nông nghiệp và xã hội, giữa châu Âu và nông dân. Nó nhằm mục đích hỗ trợ nông dân và cải thiện năng suất nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định với giá cả phải chăng; bảo vệ nông dân của Liên minh châu Âu kiếm sống hợp lý; giúp giải quyết biến đổi khí hậu và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; duy trì các khu vực nông thôn và cảnh quan trên khắp EU; giữ cho nền kinh tế nông thôn tồn tại bằng cách thúc đẩy việc làm trong ngành nông nghiệp, thực phẩm và các ngành liên quan. CAP là một chính sách chung cho tất cả các nước EU. Nó được quản lý và tài trợ ở cấp châu Âu từ các nguồn ngân sách của EU.

Thực tế mặc dù coi trọng sản xuất lương thực nhưng thu nhập của nông dân vẫn thấp hơn khoảng 40% so với thu nhập phi nông nghiệp. Do đó, CAP đã thông qua các khoản thanh toán trực tiếp để đảm bảo ổn định thu nhập và trả công cho nông dân vì hoạt động canh tác thân thiện với môi trường và cung cấp các dịch vụ công thường không được thị trường chi trả, chẳng hạn như việc chăm sóc vùng nông thôn. 

Ảnh minh họa

EU đã hỗ trợ nông dân 57,98 tỷ euro trong năm 2019, gồm hỗ trợ thu nhập (41,43 tỷ euro); các biện pháp thị trường (2,37 tỷ euro); phát triển nông thôn (14,18 tỷ euro). 

Sau các cuộc đàm phán sâu rộng giữa Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Liên minh Châu Âu và Ủy ban Châu Âu, CAP mới chính thức được thông qua vào ngày 2 tháng 12 năm 2021. CAP mới sẽ được triển khai từ ngày 1 tháng 1 năm 2023, bao gồm ba quy định gồm: bãi bỏ quy định của EU về tài trợ, quản lý và giám sát CAP; thiết lập các quy tắc hỗ trợ cho các kế hoạch chiến lược CAP quốc gia; sửa đổi quy định về tổ chức chung thị trường nông sản, về chất lượng nông sản, về chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm rượu, các biện pháp cho nông nghiệp ở các khu vực ngoài cùng của EU. 

Chính sách mới có trị giá 386,6 tỷ euro và chiếm 1/3 ngân sách của EU cho đến năm 2027. Chính sách này cũng sẽ đảm bảo các khoản thanh toán công bằng hơn cho nông dân bằng cách viện trợ trực tiếp 270 tỷ euro. 

Tuy nhiên, các cải cách của CAP đã không được mọi nhà lập pháp EU chấp nhận và một số người trong số họ cho rằng nó không phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu và còn đi ngược lại lợi ích của các nông dân nhỏ. 

Michal Wiezik, một thành viên người Slovakia của Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu, cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng những người chiến thắng duy nhất trong các cuộc cải cách CAP là các nhà tài phiệt khi cho rằng cuộc cải cách không gắn liền với các chiến lược đa dạng sinh học. Các chương trình sinh thái mới của CAP chỉ rõ rằng 22% tổng số tiền chi trả của CAP sẽ phục vụ cho hoạt động canh tác xanh từ năm 2023-2024. Ngưỡng này sẽ được nâng lên 25% từ năm 2025-2027.

Cách thức phân chia tài trợ của CAP cũng vấp phải nhiều chỉ trích. Kể từ năm 2005, CAP đã chi trả các khoản trợ cấp trị giá hơn 50 tỷ euro mỗi năm. Trong số này, 80% trợ cấp dành cho 20% các trang trại lớn nhất ở EU.

Ảnh minh họa

Liệu các cải cách có tác động toàn cầu hay không?

Một số nhà hoạt động môi trường và quan chức EU cũng nhấn mạnh chính sách mới ảnh hưởng như thế nào đến thương mại toàn cầu, an ninh lương thực và đa dạng sinh học trên toàn thế giới. CAP không chỉ là chính sách của EU mà còn là chính sách toàn cầu, một chính sách của EU hướng tới xuất khẩu, mà trước hết là muốn thâm nhập vào thị trường các nước khác và thực hành bán phá giá. Celia Nyssens, một quan chức chính sách nông nghiệp tại Cục Môi trường châu Âu cho biết, CAP mới có những tác động ngắn hạn và dài hạn. EU sẽ tiếp tục sản xuất quá mức các sản phẩm như sữa và tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm như đậu nành từ Mỹ, Nam Mỹ và Brazil. Nhưng về lâu dài, điều này có tác động tiêu cực đến an ninh lương thực toàn cầu và môi trường.

Tác động của CAP đối với các nước đang phát triển

Chính sách nông nghiệp chung của EU (CAP) có thể sẽgây thiệt hại cho nông dân ở các nước đang phát triển và môi trường. Nó có thể tiếp tục góp phần vào việc bơm dầu cọ vào sản phẩm sữa bột (nguyên nhân gây táo bón ở trẻ, gây xơ vữa động mạch và ung thư), gây bất lợi cho các sản phẩm địa phương cũng như tiêu thụ quá mức đậu nành Mỹ Latinh. Đây là nội dung trong một báo cáo do mạng lưới NGO điều phối SUD công bố, trong đó chỉ ra những mâu thuẫn giữa CAP và các mục tiêu phát triển của EU.

Ở Pháp, 47% thu nhập của nông dân đến từ CAP, theo cựu thành viên Nghị viện Châu Âu Michel Dantin. Nhưng sự thúc đẩy này đang có tác động tàn phá đối với Nam bán cầu, nơi các khoản trợ cấp của chính phủ không cao và các lĩnh vực này cũng kém cạnh tranh hơn.

Ảnh minh họa

Báo cáo cũng chỉ trích việc bãi bỏ các cơ chế điều tiết thị trường nông nghiệp, chẳng hạn như hạn ngạch sữa. Theo báo cáo, những điều này đã làm tăng “khả năng xuất khẩu nông sản với giá thấp của EU sang các thị trường phía Nam”. Việc xuất khẩu lúa mì hoặc sữa bột, đôi khi thậm chí là sữa tách kem và hỗn hợp dầu cọ được bán như sữa ở các thị trường Tây Phi là một ví dụ. Việc bán phá giá này trên thực tế làm mất ổn định nền kinh tế nông thôn, cụ thể ở Tây Phi những loại bột nhập khẩu này có chi phí thấp hơn tới 40% so với sữa địa phương. 

Tác động của CAP đối với nạn phá rừng

Vấn đề của mô hình chăn nuôi thâm canh và nhu cầu thức ăn gia súc cũng được coi là nguyên nhân gây ra các tác dụng phụ tàn khốc khác. Báo cáo nhấn mạnh: “Nó chịu trách nhiệm một phần cho việc mở rộng mô hình trồng đậu tương ở Nam Mỹ”. Các nước Brazil, Argentina, Paraguay, Bolivia và Uruguay ngày nay chiếm khoảng 50,6% sản lượng đậu tương thế giới.

Anh Dũng (Tổng hợp theo Agriculture.ec.europa.eu và Euractive.Fr)