Ngay từ ngày đầu bùng phát dịch, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo báo chí phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm xã hội về tình hình dịch bệnh một cách chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch hiệu quả. Đồng thời nhấn mạnh các cơ quan truyền thông cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.
Theo đó, trong thời gian qua, các công tác tuyên truyền chiếm vị trí quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, các lực lượng truyền thông đã chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trên cả các báo chính thống. Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng, chống và diễn biến tình hình dịch bệnh… được nhanh chóng truyền tải đến công chúng để nâng cao nhận thức người dân.
Song, vào lúc 17h30 ngày 12/6, tại phường 12, quận 5, TPHCM, có trường hợp ca nghi nhiễm. Ngay lúc đó chính quyền đã ra quyết định phong tỏa khu dân cư sinh sống. Một nhà báo đã nhanh tay chụp hình và lấy thông tin nhằm cập nhật tình hình dịch bệnh trên cơ quan báo chí.
Nhưng thay vì hỗ trợ cung cấp thông tin cho người làm chuyên môn trong công tác thông tin – truyền thông, thì một dân quân đến yêu cầu xóa hình ảnh về khu phố bị phong tỏa với lý do là: " vì đây là địa bàn của em".
Thiết nghĩ, việc yêu cầu nhà báo xóa tin và hình ảnh trong quá trình tác nghiệp có thuộc thẩm quyền quyết định của người dân quân trên? Việc đưa thông tin phản ánh sự thật, đặc biệt là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tràn lan trên địa bàn, cấp bách và cần được hỗ trợ tích cực? Và chính quyền địa phương cần phải có những cơ chế nào để hỗ trợ cho cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền dịch COVID-19 nhanh – chính xác nhất?
Bảo Châu