Vụ án chuyến bay giải cứu đang được đưa Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử gây chấn động dư luận. 54 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKS) truy tố về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Họ là những cán bộ cấp cao, được đào tạo bài bản, những công bộc của dân nhưng vẫn vô từ vòi vĩnh các doanh nghiệp (DN), sẵn sàng ăn không chừa thứ gì, kể cả những người dân tận cùng dưới đáy xã hội.
Quan chức cấp cao vẫn vô tư vòi vĩnh, nhận hối lộ
Trong số 21 bị cáo bị xét xử về tội "Nhận hối lộ", có nhiều bị cáo từng là quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao, như: Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự), Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự), Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, từng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao vào năm 2014), Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản), Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola), Lưu Tuấn Dũng (cựu Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao)… Cùng nhiều quan chức cấp cao khác như Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng), Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an)… Các bị cáo khác bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" như Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Lê Ngọc Anh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia)…
Nêu cụ thể một số bị can để thấy rằng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này có nhiều cán bộ cấp cao, đặc biệt trong ngành ngoại giao - một ngành được xem là quan trọng nhất của Chính phủ, bộ mặt của quốc gia, nhiều người đã kinh qua các chức vụ, trách nhiệm rất quan trọng. Một số người là trí thức như PGS-TS Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia); tất cả đều được đào tạo bài bản, nghiêm túc, nhiều người học ở nước ngoài các chuyên ngành pháp luật quốc tế... Vậy mà họ vẫn vô tư phạm tội, vô tư vòi vĩnh, nhận tiền bôi trơn từ các DN thực hiện các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo để đưa đồng bào mình về quê tránh dịch.
Như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, trong phần tự bào chữa cho mình chiều 18-7, vẫn hồn nhiên nói rằng: “Với nhận thức khi đó còn đơn giản, tôi không làm trong quản lý kinh tế nên không phân biệt được ranh giới giữa hành vi dân sự nhận tiền cảm ơn và hành vi phạm tội". Bị can Dũng cho biết, khi bị điều tra, được công an giải thích và đọc hai quyển sách luật nên đã nhận thức được sai phạm".
Có ai, kể cả người dân bình thường, chấp nhận “quan điểm” của một thứ trưởng Bộ Ngoại giao được đào tạo bài bản, ở cương vị đó lại không hiểu “tiền cảm ơn” là tiền gì!?
Nhớ lại hoàn cảnh đại dịch xảy ra trên toàn cầu lúc bấy giờ mới thấy mức độ phạm tội nghiêm trọng của từng bị cáo. Vì vậy VKS cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân.
Sau khi tổ chức giải cứu 30 công dân Việt Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc về Việt Nam vào tháng 2-2020, Đảng, Nhà nước ta với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đến tháng 4-2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly tại cơ sở quân đội (gọi tắt là “chuyến bay giải cứu”).
Việc tổ chức cách ly tại các cơ sở quân đội cho công dân nhập cảnh về nước bị giới hạn về số lượng người bởi cơ sở vật chất và khả năng đón tiếp của quân đội có hạn. Trong khi đó, có rất nhiều công dân muốn về nước và sẵn sàng trả chi phí cách ly tại các cơ sở dân sự. Do đó, tháng 11-2020, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (gọi tắt là chuyến bay "Combo").
Việc tổ chức rất chặt chẽ, được giao cho Văn phòng Chính phủ và tổ công tác 5 bộ: Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an, Y tế và Quốc phòng. Vậy mà những người được giao trọng trách nhân đạo này lại cấu kết với nhau để ăn trên đầu trên cổ của người dân được giải cứu.
Ăn hối lộ quá lộ liễu và tàn bạo
Ở thời điểm này, không chỉ người dân cả nước bị bao vây bởi đại dịch mà các DN cũng rất khốn khó. Để thực hiện những chuyến bay combo không hề đơn giản, đặc biệt phải thuê máy bay, trả một phần tiền trước và phải trải qua các thủ tục tưởng là rất nghiêm ngặt nhưng không có tiền bôi trơn là không thể “qua ải” được.
Cựu Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan là người xét duyệt danh sách các DN thực hiện chuyến bay; trực tiếp báo cáo Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt, đã dùng rất nhiều chiêu, vòi vĩnh để “tạo điều kiện” 8 DN được cấp phép cho hàng trăm chuyến bay giải cứu, nhận hối lộ 32 lần tổng số hơn 25 tỷ đồng (gồm 20,2 tỷ đồng và 210.000 USD). DN khai rằng, bà Lan và nhiều bị cáo khác đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc DN phải nâng giá vé máy bay và chi phí phát sinh để đưa hối lộ.
Quá trình thực hiện, với các DN chưa thỏa thuận đưa hối lộ, liền bị gây khó dễ bằng cách không đưa vào danh sách (dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép), thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày DN nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay... mục đích là ép DN phải đưa tiền hối lộ mới đề xuất cấp phép. Bà Lan còn hướng dẫn DN mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay, mà càng nhiều chuyến bay tiền hối lộ càng nhiều.
Phan Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, cả về số lần và số tiền với 253 lần nhận, tổng 42,6 tỷ đồng trong 11 tháng. Tính trung bình ông Kiên nhận mỗi tháng gần 4 tỷ đồng, mỗi ngày 130 triệu đồng. Với 253 lần nhận hối lộ, ông Kiên thu 228 lần qua chuyển khoản. Trong số này, 198 lần được các DN chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông Kiên, và 30 lần qua tài khoản của mẹ vợ và con trai ông.
Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch Công ty Vijasun, khai Phan Trung Kiên ép buộc ông ta và nhiều người khác đưa tiền. "Tôi nhớ từng chi tiết, bị cáo Kiên quát tháo trong một phòng họp Bộ Y tế, yêu cầu phải chi mấy triệu một khách. Ông Kiên yêu cầu đại diện các DN, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng một chuyến bay. Đối với chuyến bay combo, ông Kiên ra giá với DN phải "chung chi" từ 500.000 đồng đến triệu đồng/khách. Đối với khách lẻ, Kiên ra giá từ 7-15 triệu đồng/khách”. Bị cáo Dương khai, công ty của Dương được cấp phép 17 chuyến và bị Kiên ép chuyển 150 triệu đồng/chuyến trước mỗi khi cấp phép. Bị cáo Dương khẳng định: "Tôi bị ép, công ty của tôi phải đưa tiền chứ tôi không muốn đưa và Kiên đòi tiền liên tục".
Điều gì đã khiến cho Kiên - chỉ là một thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế lộng hành đến vậy? Đó là sức mạnh của đồng tiền kèm với quyền lực. Đó cũng là nguyên nhân sinh ra thứ “văn hóa” vòi vĩnh các DN, mà không chỉ Kiên mà còn xuất hiện ở nhiều nơi khác, nhiều cán bộ khác, đến nỗi các DN gọi thẳng đó là “phí bôi trơn”!
“Ăn không chừa thứ gì”
Đó là trường hợp ông Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái. Theo cáo trạng ông PGS-TS này đã trấn lột (đúng nghĩa đen) của 1.900 người Việt Nam là tù nhân mãn hạn tù bị ở nước sở tại, bị tống về nước vì dịch. Đa số họ là những người đánh cá vi phạm lãnh hải nước bạn. Họ đi tù đã cùng khổ, gia đình của họ ở trong nước cũng cùng khổ, nhưng ông Thái và cán bộ của ông vẫn đè họ ra để lấy tiền, dù gia đình phải vay nóng để được người thân của mình về nước. Tàn nhẫn hơn, họ còn ăn của cả chị em tận cùng dưới đá xã hội, qua Malaysia làm nghề “nhạy cảm” - như ông Thái khai trước tòa. Bị cáo Thái và đồng bọn ăn đến cái… “lai… quần” của chị em mà vẫn ăn được, thì tội ác khôn cùng và quá khốn nạn.
Bao nhiêu năm tù mới xứng đáng với tội ác này, khi họ ăn không chừa thứ gì?
Còn bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng, từng nghĩ trả lại tiền sau lần nhận đầu tiên. Tuy nhiên, do bị cuốn vào công việc, ông Tân không kịp trả và đã "lỡ rồi" nên nhận hối lộ tiếp những lần sau. Tổng cộng quan tỉnh này đã 9 lần nhận của các DN, với tổng số tiền 5 tỉ đồng trong quá trình cấp phép cách ly cho người về trên các chuyến bay giải cứu.
Thì ra nhận hối lộ cũng là một thói quen như thói “ăn cắp vặt” nhưng đây không phải là cắp vặt mà trấn lột. Bị cáo Tân làm quan tới chức đó mà phát biểu như trẻ con rằng: “Nghĩ rằng tiền của DN, không phải từ ngân sách nhà nước nên tôi đã nhận”.
Một tư duy lạ lùng của một ông quan cấp tỉnh. Tư duy lạ lùng như vậy cũng có thể xảy ra ở những quan chức khác cao hơn hoặc thấp hơn, nên chuyện vòi vĩnh, bôi trơn của các DN là chuyện tất yếu và các quan nhận tiền của DN dễ dàng phủi tay vì “đó không phải là tiền ngân sách”!
Bài học đau xót nhưng cũng vô cùng hữu ích cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng
“Trong năm 2022, đại án “Việt Á” và "Chuyến bay giải cứu” là những vụ án gây chấn động xã hội. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, toàn dân đang lao đao vì khốn khó nhưng vẫn có những người lợi dụng tình cảnh đó để trục lợi cá nhân, toan tính lợi ích nhóm.
Đối với vụ án “Chuyến bay giải cứu”, trong thời điểm đại dịch Covid-19, vốn là một chủ trương rất nhân văn, chúng ta thực hiện những chuyến bay để giải cứu đồng bào mình ở nước ngoài, thế nhưng, có những cán bộ lẽ ra phải phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước lại vì lợi ích bản thân mình, bất chấp sai phạm để vơ vét, kiếm chác trên sự vất vả của đồng bào.
Hai vụ đại án đó, hàng trăm người đã bị xử lý, không chỉ ở Trung ương mà cả địa phương, không chỉ phạm vi trong nước mà cả ngoài nước. Đó là bài học răn đe mạnh mẽ, đanh thép cho những người chuẩn bị có hành vi tham nhũng, là bài học vừa đau xót nhưng cũng vô cùng hữu ích cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay”.
(Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Hãy loại bỏ thứ “văn hóa” vòi vĩnh
Các DN bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, trước tòa họ khẳng định rằng, các quan chức vòi vĩnh, đòi tiền “bôi trơn” thẳng tay. Như trường hợp bị cáo Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An khai nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay 8 lần đều bị đánh trượt trong khi công ty khác lại suôn sẻ và nhận ra cách nhanh nhất là phải đi tìm "cửa sau". Tổng Giám đốc Công ty An Bình - bị cáo Hoàng Diệu Mơ cũng tại phiên toà hôm 12-7, khai đã nộp rất nhiều hồ sơ xin cấp phép chuyến bay nhưng chưa bao giờ được cơ quan nào hồi âm đạt hay không đạt, cần bổ sung tài liệu nào. Nhìn sang rất nhiều DN đã bay suôn sẻ, bà Mơ được họ "rỉ tai" cần đi "cửa sau".
Bị cáo cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị xác định "gây khó khăn nhũng nhiễu", không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của DN xin cấp phép chuyến bay, buộc các DN phải "tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ", theo kết luận điều tra.
Cơ quan điều tra xác định, bà Lan và một số bị cáo tại Cục Lãnh sự đã "tạo thành nhóm lợi ích" và đưa ra nhiều yêu cầu, gây khó khăn nhũng nhiễu cho DN. Nhóm bà Lan buộc các DN phải chi tiền để được giải quyết thủ tục, với các DN "chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ sẽ gây khó dễ dưới nhiều hình thức".
Kiểu "khó dễ" phổ biến bà Lan tạo ra với DN là không sắp xếp tổ chức bay theo lộ trình đã được duyệt mà chỉ cho bay duy nhất chuyến đầu, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản của Cục Lãnh sự. Bị cáo Lan cũng tự ý ra văn bản yêu cầu dừng triển khai chuyến bay trong khi DN đã bán hết vé máy bay cho khách và thuê tàu bay để đưa công dân về Việt Nam. Thậm chí bà Lan còn thường xuyên chỉ đạo cấp dưới sát ngày bay mới thông báo, hoặc thay đổi kế hoạch bay, thay đổi số công dân trên chuyến bay. DN không thể bay được sẽ phải gặp chi tiền cho bà Lan để xin được lùi chuyến bay, xin thêm “suất”...
Không chỉ vậy, còn có “luật ngầm” trong việc cấp phép chuyến bay. Sau khi tiếp xúc, hối lộ cho bà Lan, như có một đường dây “dắt mối”, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu Phó phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) yêu cầu "lên gặp nói chuyện" và các DN phải tiếp tục chi. Thậm chí ông Kiên, Tuấn còn chủ động gọi các DN đòi chung chi…
Đây chắc chắn không phải là “tiền cảm ơn”, “tiền tri ân” hay nói thẳng ra là tiền hối lộ. Nếu các quan chức không vòi vĩnh, buộc phải bôi trơn, thì liệu các DN có chi đậm như vậy?
Đó là thứ “văn hóa” vòi vĩnh, để moi tiền DN mà từ trước đến nay đã thành tệ nạn làm cản trở sự phát triển của đất nước.
Cái thứ “văn hóa” ấy đã trở thành quy định bất thành văn tồn tại trong một xã hội pháp quyền, đến nỗi các quan chức cho rằng không nghĩ “tiền cảm ơn”là tiền hối lộ; nhận tiền của DN chớ không phải tiền của ngân sách thì “sạch sẽ”!
Người viết bài này từng chứng kiến những cảnh vòi vĩnh, chung chi như vậy. Hôm đầu tháng 7-2023, trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, TP HCM, thấy một chị bán chanh dây ven đường, tôi ghé mua. Chị than vãn vừa bị một cán bộ trật tự phường tới phạt 200 ngàn đồng vì lấn chiếm lề đường. Chị bán cho biết, do thất nghiệp, bán mấy ký chanh dây để lấy tiền trả tiền trọ, vậy mà, thật xót xa. Lâu hơn, khi tôi đưa một DN về đầu tư ở một tỉnh miền Trung, mọi thứ rất trơn tru, đến hồi kết, một trợ lý cấp tỉnh đòi DN chung chi, ngay lập tức chủ DN này trố mắt nhìn và một đi không trở lại.
Hai câu chuyện lớn, nhỏ, nhưng cũng cho thấy thứ “văn hóa” vòi vĩnh đã thấm vào máu thịt của một bộ phận công chức, rất nguy hiểm.
Còn nhớ vụ việc “vòi tiền” của một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (3-2019), gây bức xúc xã hội, đã bị các cơ quan chức năng xử lý rất nghiêm nhưng tệ nạn tham nhũng kiểu như vậy vẫn chưa thể chấm dứt.
Những hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ đã khiến người dân, DN phải có "cơ chế mềm”, phải “bôi trơn”, “biết ý” hay “chung chi” cùng những “đầy tớ nhân dân”.
Công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh quyền lực Nhà nước thực hiện. Nói đến công vụ là nói đến trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện quyền, nghĩa vụ nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội nhưng vì đồng tiền, họ sẵn sàng vi phạm đạo đức công vụ, dù biết là vi phạm pháp luật.
Vu án chuyến bay giải cứu, sắp tới là vụ án Việt Á, là hai vụ án tương tự, các quan chức lớn nhỏ ăn trên đầu trên cổ người dân đang khố trong đại dịch, cũng xuất phát từ thứ “văn hóa” vòi vĩnh và bôi trơn.
Phải loại bỏ thứ “văn hóa” hối lộ này ra khỏi đời sống xã hội, bằng những hình phạt cao nhất với các bị cáo, để làm gương, để mở những con đường minh bạch cho xã hội phát triển đúng đường ray của nó.
Gỡ rào cản cho các doanh nghiệp
Thời gian gần đây, việc cải cách thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình đó, ngày 13-7-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, DN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt đối với các DN, để thúc đấy phát triển kinh tế xã hội.
Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ để gỡ khó cho các DN, hạn chế tối đa những những nhiễu, phiền hà để các DN làm ăn.
Lưu Vĩnh Hy