Mặc dù không ngành nghề nào tránh khỏi tác động của Covid-19 nhưng lĩnh vực bán lẻ truyền thống được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi hầu hết các cửa hàng truyền thống lao đao, thậm chí đóng cửa vĩnh viễn do đại dịch. Các nhà bán lẻ đang đứng trước cuộc cách mạnh mới, chuyển đổi từ ngoại tuyến sang trực tuyến là lựa chọn duy nhất để tồn tại và vượt qua các giới hạn.
Giữa đại dịch, nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore thu về 500 triệu đô la Mỹ hàng năm. Ngoài ra, thanh toán kỹ thuật số được dự đoán sẽ chiếm 67% tổng giá trị giao dịch năm 2025. Các con số trên đều chung một ý nghĩa: Sự tồn tại của ngành bán lẻ hiện nay chủ yếu nhờ thúc đẩy lượng khách trực tuyến và chuyển đổi thành công khách hàng online sang offline". Tuy nhiên, toàn bộ quá trình đòi hỏi phải cải tiến toàn bộ chuỗi giá trị và cơ sở hạ tầng cơ bản để phù hợp với các chương trình thanh toán kỹ thuật số và mô hình chuỗi cung ứng trong hệ sinh thái bán lẻ mới.
Trong khi trọng tâm chuyển sang tận dụng các nền tảng trực tuyến, điều này không có nghĩa là các cửa hàng bán lẻ vật lý sẽ hoàn toàn sụp đổ. Các cửa hàng truyền thống phải học cách điều hướng một thế giới bán lẻ mới, nơi người tiêu dùng ưu tiện sự tiện lợi, trải nghiệm độc đáo. Khách hàng ngày nay muốn sự linh hoạt, tự do và cá nhân hóa, bất kể là cửa hàng vật lý hay shop online, đây là chìa khóa để duy trì và tiếp tục vươn lên.
Điểm nghẽn các nhà bán lẻ truyền thống cần thu hẹp khoảng cách là phân tích dữ liệu. Xác định đúng công nghệ phù hợp để áp dụng đóng vai trò "xương sống" cho sự mở rộng bền vững trong bối cảnh "bình thường mới". Các nền tảng thương mại điện tử kỹ thuật số ngày nay cho phép các nhà bán lẻ theo dõi, tạo dữ liệu xung quanh hành vi và sở thích của người tiêu dùng, bổ sung cho các nỗ lực tiếp thị và bán hàng. Các chỉ số như tỷ lệ chuyển đổi bán hàng, tỷ lệ khách quay đầu,... giúp người bán thu thập thông tin chi tiết về các xu hướng quan trọng và sự thay đổi hành vi vốn rất quan trọng trong tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng.
Các nhà bán lẻ địa phương cũng nhận ra những lợi ích mà các nền tảng thương mại điện tử mang lại. Kể từ khi bắt đầu đại dịch hồi năm ngoái, nền tảng mua sắm online Ezbuy đã trao quyền cho các thương gia địa phương, cung cấp quyền truy cập tự động hóa theo hướng dữ liệu thời gian thực để phân tích hành vi của người tiêu dùng. Trong vòng một năm, số lượng người bán địa phương trên nền tảng đã tăng gấp ba lần. Mô hình bán lẻ không còn tuyến tính như hai thế kỷ trước đó. Ngày nay, ngành bán lẻ hướng tới chuỗi giá trị toàn diện, học cách tích hợp kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm liền mạch.
Lấy ví dụ Ezbuy áp dụng trí tuệ nhân tạo cung cấp thông tin chi tiết về các dịch vụ sản phẩm theo yêu cầu, vì vậy các nhà bán lẻ có thể định vị chính xác và đạt được mục tiêu cuối cùng. Nhà bán lẻ rượu địa phương The Liquor Shop đã chứng kiến mức trung bình sản lượng gia tăng sau khi hợp tác với Ezbuy trong đại dịch. Trước đó, doanh số bán rượu vẫn trì trệ cho đến khi nền tảng kết nối người bán với một nhóm khách hàng mới.
Trong nền kinh tế ngày càng hướng tới trải nghiệm, các nhà bán lẻ cần tập trung vào việc làm hài lòng khách hàng. Nhưng việc phát triển trải nghiệm khách hàng tuyệt vời chỉ có thể thực hiện được nếu các nhà bán lẻ hiểu cặn kẽ khách hàng. Khi nhu cầu ngày càng đa dạng, cần chú trọng nhiều hơn vào kết nối hợp tác và giải pháp. Khi khách hàng sử dụng thiết bị di động, các nhà bán lẻ phải có chiến lược ưu tiên thiết bị cầm tay để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ. Khai thác khả năng của các nền tảng thương mại điện tử như Ezbuy là một cách đơn giản nhưng hiệu quả về chi phí để các nhà bán lẻ mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường. Thúc đẩy tính bền vững lâu dài trong chuỗi giá trị bán lẻ đa kênh có nghĩa là định hướng và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm đồng thời đảm bảo tính nhất quán và tiện lợi trong suốt hành trình của khách hàng.
TL (theo e27)