Bài liên quan |
Chống lừa đảo tài chính qua mạng: Các cơ quan phối hợp để ngăn ngừa những thủ đoạn tinh vi nhất |
Việt Nam bị tấn công lừa đảo tài chính nhiều thứ 3 khu vực |
Trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra từ ngày 7-10/4/2025 tại Kuala Lumpur (Malaysia), Phiên đối thoại giữa Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương với các CEO tổ chức tài chính ngày 9/4 đã thu hút sự chú ý đặc biệt khi tập trung vào một trong những thách thức lớn nhất hiện nay: phòng ngừa và ứng phó với gian lận, lừa đảo tài chính trong bối cảnh chuyển đổi số.
Các lãnh đạo ngân hàng trung ương và CEO các định chế tài chính đã thẳng thắn trao đổi về sự gia tăng đáng báo động của các hình thức lừa đảo số, đặc biệt là qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, tin nhắn SMS và ứng dụng nhắn tin OTT. Các chiêu thức "kỹ nghệ xã hội" (social engineering) ngày càng tinh vi, khiến nạn nhân bị đánh lừa một cách chủ động. Điều này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho một cách tiếp cận toàn diện và đồng bộ hơn từ nhiều phía.
![]() |
Cần có hệ sinh thái phòng chống gian lận, lừa đảo tài chính |
Theo số liệu từ Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (Global Anti-Scam Alliance), thiệt hại do các vụ lừa đảo tài chính tại châu Á trong năm 2024 lên tới 688,4 tỷ USD. Không chỉ gây tổn thất tài chính, các vụ việc này còn đang từng bước xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống thanh toán số – yếu tố then chốt cho sự phát triển của nền kinh tế số bền vững trong khu vực ASEAN.
Các biện pháp hiện hành như giám sát giao dịch thời gian thực, tăng cường cảnh báo và truyền thông giáo dục người dùng tuy đã được triển khai rộng rãi tại nhiều ngân hàng trong khu vực, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Một trong những nguyên nhân là tốc độ rút tiền của kẻ gian diễn ra rất nhanh – có thể hoàn tất chỉ trong vòng 30 phút – khiến tỷ lệ thu hồi tài sản sau lừa đảo chỉ đạt khoảng 5%.
Trước thực tế này, các đại biểu tại hội nghị đã thống nhất rằng cuộc chiến chống gian lận tài chính không thể chỉ là trách nhiệm riêng của ngành ngân hàng hay cơ quan thực thi pháp luật. Thay vào đó, cần hình thành một hệ sinh thái phòng chống lừa đảo tài chính toàn diện, với sự phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan: ngân hàng, nhà mạng viễn thông, nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nhà sản xuất thiết bị và hệ điều hành.
Việc chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa các bên, nâng cấp tiêu chuẩn an ninh mạng, cũng như tăng cường vai trò của trí tuệ nhân tạo trong phát hiện hành vi bất thường… là những yếu tố then chốt để xây dựng một môi trường số an toàn.
Tham dự hội nghị, đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn đầu đã chia sẻ kinh nghiệm và thực trạng trong nước. Ông Cảnh cho biết, Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng giao dịch số hàng năm ở mức hai con số. Tuy nhiên, song song với đó là sự gia tăng đáng lo ngại của các hình thức lừa đảo, đặc biệt là các thủ đoạn ứng dụng AI để mạo danh, làm giả giọng nói và hình ảnh, đánh vào lòng tin người dùng.
Để đối phó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai loạt giải pháp như xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến, ban hành tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng và tăng cường kiểm tra hệ thống công nghệ tại các tổ chức tín dụng.