Lừa đảo tài chính đang trở thành một mối nguy hại ngày càng nghiêm trọng đối với người dùng và doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, với mục tiêu đánh cắp thông tin cá nhân và tài chính thông qua việc mạo danh các tổ chức tài chính, hệ thống thanh toán và nền tảng thương mại điện tử. Theo những báo cáo gần đây, Thái Lan hiện đứng đầu khu vực với số vụ tấn công lừa đảo tài chính lên đến 141.258 vụ, tiếp theo là Indonesia với 48.439 vụ. Việt Nam và Malaysia lần lượt ghi nhận 40.102 và 38.056 vụ tấn công. Trong khi đó, Singapore và Philippines là hai quốc gia ghi nhận ít nhất số vụ tấn công, với con số lần lượt là 28.591 và 26.080 vụ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mức độ gia tăng các vụ lừa đảo tại Thái Lan và Singapore trong năm qua, lần lượt đạt mức tăng 582% và 406% so với năm 2023.
Hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng ghi nhận số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng 10 là 204, giảm 18,4% so với tháng trước đó và giảm 79,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, 3 tháng gần đây, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam đã liên tục giảm, từ 349 sự cố trong tháng 8, xuống 250 sự cố vào tháng 9 và giảm tiếp còn 204 sự cố trong tháng 10. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến hết tháng 10, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam là 4.483, giảm hơn 57% so với 10 tháng đầu năm 2023 (10.513 sự cố).
Theo phát hiện của Cục A05, Bộ Công an, một số phương thức tấn công mạng phổ biến bao gồm: Sử dụng các kỹ thuật mã độc: DLLSideLoading, fileless, bootkit, rootkit, khai thác CVE 0-day, password attack, adversarial attack, email… đa dạng trong ngôn ngữ lập trình. Khoảng 525.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm 15.000 biến thể của dòng mã độc Password Stealer; Redline; Lockbit… Hơn 1,5 triệu máy tính của người dung Việt Nam bị lây nhiễm các dòng Macro malware, FileStealer, đánh cắp tập tin văn bản.
Việt Nam bị tấn công lừa đảo tài chính nhiều thứ 3 khu vực |
Các phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay chủ yếu bao gồm giả mạo các thương hiệu uy tín trong lĩnh vực thương mại điện tử, ngân hàng và các ứng dụng thanh toán, với mục tiêu đánh cắp thông tin đăng nhập và các dữ liệu cá nhân, nhạy cảm của người dùng cũng như doanh nghiệp. Các đối tượng lừa đảo không chỉ áp dụng những chiêu trò kỹ thuật tinh vi, mà còn mạo danh các tổ chức tài chính để đe dọa, ép buộc và lừa gạt nạn nhân cung cấp thông tin hoặc tiền bạc. Đặc biệt, một số kẻ gian còn giả danh các tổ chức từ thiện để dụ dỗ người dân quyên góp vào những quỹ giả mạo, gây ra nhiều tổn thất về tài chính và lòng tin.
Theo các chuyên gia, tình trạng gia tăng tấn công lừa đảo tài chính có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và sự khai thác tối đa của tội phạm mạng đối với trí tuệ nhân tạo cùng công nghệ tự động hóa. Chính nhờ những công nghệ này, các chiến dịch lừa đảo trở nên ngày càng tinh vi và có khả năng nhắm mục tiêu chính xác, hiệu quả hơn. Thực tế, số lượng vụ tấn công đã tăng đến 41% so với năm trước, một con số đáng báo động, cho thấy rằng các tội phạm mạng không ngừng cải tiến phương thức và chiến thuật tấn công nhằm đạt được mục đích.
Trước bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị rằng việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối nguy hiểm tiềm tàng từ lừa đảo tài chính là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, các doanh nghiệp và người dân cần áp dụng những biện pháp bảo mật chặt chẽ hơn nữa, đồng thời cảnh giác trước mọi hình thức tiếp cận, nhằm đối phó hiệu quả với sự gia tăng và sự tinh vi ngày càng cao của các cuộc tấn công lừa đảo tài chính trong thời gian tới.