Cách chăm sóc da môi trong thời tiết hanh khô. |
Thời tiết chuyển mùa là lúc đôi môi căng mọng đang dần bị mất nước trở nên thô ráp và nứt nẻ.
Vì sao thô ráp, nứt nẻ hơn khi thời tiết hanh khô?
Môi khô nẻ và bong tróc nhiều hơn khi thời tiết hanh khô chủ yếu là do tình trạng thiếu nước. Khi thời tiết lạnh và khô thì lớp da bên ngoài môi mất đi chất dầu tự nhiên, dễ bị phá vỡ do đó dẫn đến môi bị khô, nứt, đau, thậm chí là rớm máu, đóng vảy... Khi môi khô, lại tạo ra thói quen liếm môi, thói quen này vô tình lại khiến môi khô nẻ hơn, bong tróc nhiều hơn.
Ngoài nguyên nhân thiếu nước, thì khô môi do sử dụng son, đặc biệt là son khó rửa trôi, chứa nhiều chì khi thời tiết hanh khô cũng là nguyên nhân môi khô nẻ nhiều hơn.
Một nguyên nhân khác khiến môi khô hơn mùa lạnh là do các bệnh lý về mũi. Nghẹt mũi, viêm mũi, cảm lạnh là những yếu tố khiến bạn phải thở bằng miệng, điều này càng làm tình trạng môi khô trở nên trầm trọng hơn.
Mặc dù tình trạng môi khô nẻ khi thời tiết hanh khô không phải vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nó ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Người bị khô môi khá khó chịu như chảy máu, đau dấm dứt, xót miệng khi ăn… Do đó, đừng bỏ qua những cách chăm sóc môi mùa hanh khô được liệt kê dưới đây.
Cách tránh tình trạng môi khô nẻ
- Bổ sung nước: Nên uống đủ nước ấm từ 2-2,5l nước/ngày để cung cấp đử nước cho cơ thể cũng là cách hạn chế môi khô. Có thể bổ sung nước và vitamin qua các loại nước ép trái cây như cam, cà rốt, cà chua, dưa chuột, lựu,...
- Tạo độ ẩm: Nên sử dụng máy tạo ẩm không khí nếu trong phòng đang quá hanh khô. Trong phòng nên để nhiệt độ vừa phải, không quá lạnh nhưng cũng không quá ấm so với nhiệt độ bên ngoài. Khi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang để môi tránh tiếp xúc trực tiếp với thời tiết hanh khô, khói bụi…
- Không liếm môi: Trên thực tế, trong nước bọt có chứa các thành phần như enzyme, muối vô cơ, protein hay amylase (một loại men tinh bột). Khi liếm môi, bạn đã vô tình phủ một lớp “hồ” mỏng từ những chất này. Lượng nước có trong nước bọt tiếp xúc với gió và điều kiện độ ẩm thấp sẽ bay hơi, chỉ để lại amylase dính trên bề mặt – nguyên nhân khiến môi bị co lại, khô căng hơn trước.
- Chọn son môi nhiều dưỡng hơn: Không sử dụng son môi bệt màu mà chọn loại son nhiều dưỡng môi. Hóa chất từ son môi sẽ khiến môi khô hơn, dễ nứt nẻ và bong tróc hơn. Mỗi ngày cần tẩy trang cho môi thật sạch, sau đó sử dụng kem dưỡng môi trước khi đi ngủ. Mỗi tuần cần tẩy da chết cho môi một lần. Trước khi tô son, cần sử dụng kem làm mềm môi, dưỡng ẩm cho môi. Có thể lặp lại son dưỡng môi nhiều lần mỗi ngày.
- Chống nắng cho môi kể cả khi không ra ngoài: Tia UV không chỉ có trong ánh nắng mặt trời mà còn được phát tán bởi ánh đèn, ánh sáng điện thoại, tivi, máy tính,… Tia UV khi tác động có khả năng lấy đi sắc hồng vốn có của môi đồng thời khiến môi trở nên khô hơn, thô ráp hơn, thậm chí là tăng nguy cơ bị ung thư môi.
Theo nghiên cứu của University of Western – Australia về ung thư miệng (oral cancer) trong suốt 25 năm của cư dân Úc, căn bệnh ung thư môi chiếm 50% trong các trường hợp mắc ung thư miệng. Vậy nên, đừng chủ quan trong việc chống nắng môi mỗi ngày là điều chúng tôi mong muốn bạn thực hiện lúc này.
3 phương pháp dưỡng môi trong thời tiết hanh khô mang lại hiệu quả bất ngờ tại nhà
3 phương pháp dưỡng môi mang lại hiệu quả bất ngờ tại nhà |
- Mật ong: Mật ong có chứa hỗn hợp nhiều chất, bao gồm đường và các thành phần dinh dưỡng khác: Nước, cacbonhydrat, vitamin (B2, B3, B6, B9, C…), khoáng chất (photpho, sắt, kẽm, canxi, magie…) chất chống oxy hóa. Mật ong đã được chứng minh là rất tốt cho sức khỏe và làm đẹp và có tính kháng khuẩn, chống viêm.
Trong các phương pháp trị môi khô nẻ, mật ong được coi là cách hiệu quả nhất. Chỉ cần lấy một chút mật ong nguyên chất thoa nhẹ nhàng lên môi 3 lần một ngày. Hoặc có thể trộn mật ong cùng cùng để tạo thành hỗn hợp dưỡng môi chống khô nẻ môi. Với cách này, chỉ sau vài lần đã khắc phục tình trạng bong da môi và trả lại làn môi mịn màng, tươi sáng.
- Dầu dừa: Dầu dừa có nhiều acid béo, do đó tác dụng rất tốt trong việc cung cấp độ ẩm, làm mềm mại cho môi và giúp giảm đau do môi nứt nẻ.
Dầu dừa có thể được coi như kem dưỡng ẩm tự nhiên cho môi và không gây ra tác dụng phụ. Có thể thoa dầu dừa 3 lần mỗi ngày, hoặc bất kỳ khi nào cảm thấy môi bị khô.
- Dưa chuột: Là một loại thực phẩm có tác dụng dưỡng ẩm da rất tốt, do đó dưa chuột thường được sử dụng để đắp mặt nạ cho da mặt. Dưa chuột cũng là một loại thực phẩm mà bạn có thể lựa chọn để cung cấp thêm các loại vitamin và khoáng chất, giúp cho làn môi trở nên mịn màng hơn.
Ngoài ép dưa chuột để uống, thì có thể thái dưa chuột thành lát mỏng, hoặc xay nhuyễn rồi đắp lên môi 15-20 mỗi lần; ngày 2-3 lần cũng giúp hạn chế khô môi.
* Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!