Cách các startup Đông Nam Á đối phó với tình trạng khan hiếm nhân tài trong khu vực

15:54 25/05/2021

Monk’s Hill Ventures và Glints, một nền tảng tuyển dụng với 4 triệu người dùng mỗi tháng đã thực hiện các báo cáo chiến lược đối với cộng đồng khởi nghiệp Đông Nam Á.

Báo cáo của hai đơn vị trên tập trung vào Singapore, Indonesia và Việt Nam bởi đây là ba trong số các thị trường phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Vấn đề được chỉ ra rằng các công ty khởi nghiệp tại khu vực trên đang cùng lúc đối phó với nhiều thay đổi lớn. Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp Đông Nam Á trưởng thành và bước vào giai đoạn cuối nhưng đồng thời các công ty công nghệ lớn của Mỹ và Trung Quốc cũng lấn sân sang thị trường mới nổi bao gồm TikTok, Tencent, Alibaba và Zoom. Điều này có nghĩa là startup Đông Nam Á vừa phải cạnh tranh về quy mô vừa phải dốc sức tìm kiếm nhân tài trước sự xuất hiện của những “gã khổng lồ”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Tìm kiếm nhân tài

Trên thực tế, mức lương và đội ngũ nhân tài tại mỗi quốc gia Đông Nam Á là không giống nhau, do đó, các startup công nghệ xây dựng đội ngũ với chiến lược phân bổ theo khu vực. Việt Nam là quốc gia có mức chênh lệch lương cao nhất giữa các vị trí đối với cả nhân tài công nghệ và phi công nghệ khi so sánh với Singapore và Indonesia. Như vậy, Việt Nam có “tiềm năng tăng lương mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ”.

Oswald Yeo, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Glints chia sẻ với TechCrunch rằng, nhiều công ty khởi nghiệp đang xây dựng các trung tâm kỹ thuật phân tán trong khu vực ngay cả trước khi xuất hiện COVID-19 vì đơn giản không còn đủ nhân tài ở Singapore. Giờ đây, nhiều nhà sáng lập thậm chí còn tìm kiếm nhân lực từ xa trong bối cảnh đại dịch. Xây dựng đội ngũ đến từ nhiều quốc gia khác nhau không chỉ giải quyết tình trạng khan hiếm tài năng mà còn đặt nền tảng cho việc mở rộng hoạt động ngoài khu vực. Yeo cho biết: “Trên đấu trường thương mại ở Đông Nam Á, các công ty không thể chỉ ở nguyên một thị trường. Nếu bạn chỉ ở Singapore, Malaysia hoặc Việt Nam, doanh nghiệp của bạn sẽ không đủ lớn và tạo được tác động mong muốn”.

Cạnh tranh về các kỹ năng chuyên biệt

Báo cáo cho thấy rằng các vai trò công nghệ, bao gồm sản phẩm, khoa học dữ liệu và kỹ thuật kiếm được thu nhập nhiều hơn khoảng 54% so với các vai trò phi kỹ thuật, như tiếp thị, tài chính. Mặt khác mức lương cơ bản cho các vị trí phát triển sản phẩm và khoa học dữ liệu, cao hơn một đến hai lần so với kỹ thuật, cho thấy rằng “trong khi kỹ năng kỹ thuật ngày càng phổ biến trong khu vực, thì kỹ năng sản phẩm và khoa học dữ liệu chuyên biệt vẫn đang 'thèm khát' nhân lực". 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Ngoài ra, các nhà sáng lập cho biết, Phó Giám đốc kỹ thuật được coi là một trong vị trí quan trọng nhất của một công ty khởi nghiệp. Tại các startup có trụ sở tại Singapore trong giai đoạn Series B trở lên, Phó Giám đốc kỹ thuật được trả mức lương cơ bản hàng tháng từ 7.500 đô la đến 10.000 đô la với mức bồi thường vốn chủ sở hữu từ 0,3% đến 1,2%. Tại Indonesia, mức lương cơ bản cho các vị trí kỹ thuật dao động từ 2,800 đến 7,100 đô la tùy thuộc vào giai đoạn của công ty. Ở Việt Nam, các công ty giai đoạn đầu trả trung bình từ 1.000 đến 5.000 đô la. Số tiền này sẽ tăng lên 5.000 đô la đến 6.000 đô la sau khi huy động vốn Series A và 8.000 đô la đến 10.000 đô la cho các công ty ở giai đoạn Series B trở lên.

Báo cáo còn cho thấy, các Giám đốc điều hành có xu hướng nắm giữ nhiều vốn chủ sở hữu hơn trong các công ty khởi nghiệp nhưng các giám đốc công nghệ luôn có mức lương cơ bản trung bình cao hơn. Các CEO thường sẵn sàng giảm lương để có lợi cho các đồng nghiệp kỹ thuật, những người được là tài sản khan hiếm của với công ty. Dựa trên dữ liệu tổng hợp từ Singapore, Việt Nam và Indonesia, mức lương trung bình của CEO đã tăng từ 2.600 đô la một tháng ở giai đoạn tài trợ 0 đến 10 triệu đô la lên 6.000 đô la một tháng ở giai đoạn tài trợ từ 5 đến 10 triệu đô la. Trong khi đó, ở cùng giai đoạn tài trợ, mức lương trung bình của CTO tăng tương ứng từ 3,300 lên 7,550 đô.

Tiền mặt so với vốn chủ sở hữu

Một phát hiện đáng chú ý khác là ít hơn 32% tài năng công nghệ được khảo sát bởi Monk’s Hill Ventures and Glints đang được đền bù bằng vốn chủ sở hữu. Các nhà sáng lập cho biết, nhân viên vẫn thích tiền mặt hơn. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi khi những người sáng lập dành nhiều thời gian hơn để phổ biến về lợi ích của vốn chủ sở hữu và một số công ty khởi nghiệp hiện cũng đang cung cấp các khoản bổ sung lương hàng năm, tiền thưởng, đơn vị cổ phiếu hạn chế hoặc kế hoạch sở hữu cổ phiếu của nhân viên. Một số nhà sáng lập báo cáo rằng các giám đốc điều hành đã từng làm việc trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Mỹ hoặc Singapore quan tâm đến các lựa chọn vốn chủ sở hữu, nhưng nhìn chung trong môi trường startup Đông Nam Á vẫn cần cái nhìn cởi mở hơn đối với hình thức mới này.  

TL