Văn phòng tại Hà Nội duy trì xu hướng dịch chuyển khỏi trung tâm
Giai đoạn nửa đầu năm 2024 ghi nhận những chuyển biến tích cực của thị trường văn phòng Hà Nội, trong đó, khu vực phía Tây là một điểm nhấn quan trọng. Theo báo cáo thị trường nửa đầu năm 2024 của Savills, nguồn cung văn phòng tại Hà Nội đạt 2,13 triệu m² sàn, ổn định theo quý và theo năm. Hạng B có nguồn cung lớn nhất, chiếm 48% thị phần, tương đương 1,03 triệu m² sàn.
Trong đó, xét theo khu vực, phía Tây chiếm tỉ trọng lớn nhất về nguồn cung với 41% thị phần, tương đương 871.836 m² sàn từ 77 dự án. Khu vực nội thành có nguồn cung lớn thứ hai với 39% thị phần hay 836.157 m² sàn từ 73 dự án. Khu vực Hoàn Kiếm – trung tâm thành phố - có nguồn cung khan hiếm nhất.
Xét theo hạng văn phòng, tốc độ tăng trưởng nguồn cung của các phân khúc hạng A, B, C có sự khác biệt đáng kể. Nguồn cung phân khúc hạng A đã tăng 6%, hạng B tăng 5% và hạng C tăng 1% mỗi năm.
Khi nguồn cung tại trung tâm hạn chế, xu hướng dịch chuyển diễn ra như một lẽ tất yếu. Song các yếu tố về sự cạnh tranh giá thuê, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển cũng thúc đẩy xu hướng dịch chuyển này trở nên mạnh mẽ hơn.
Về sự tác động của giá thuê đến xu hướng dịch chuyển văn phòng, bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, lý giải: “Sự khan hiếm văn phòng ở khu vực Hoàn Kiếm đẩy giá thuê tăng cao, trong khi khu vực cận trung tâm và phía Tây vẫn có giá thuê cạnh tranh, hỗ trợ xu hướng dịch chuyển ra khỏi trung tâm”.
Theo báo cáo của Savills, giá thuê gộp đạt 534,000 VNĐ/m²/tháng, tăng 1% theo quý và ổn định theo năm. Giá thuê hạng A đạt 876,000 VND/m²/tháng, tăng 2% theo quý và theo năm. Giá thuê hạng B đạt 452,000 VNĐ/m²/tháng, tăng 1% theo quý nhưng giảm 3% theo năm. Giá thuê hạng C cũng tăng 1% theo quý nhưng giảm 1% theo năm, đạt 322,000 VNĐ/m²/tháng. Hạng A có lượng cho thuê thêm mới lớn nhất đạt 6.955 m² sàn trong Q2/2024. Hạng C theo sau với 4.375 m² sàn, trong khi hạng B giảm 1.694 m² sàn.
Về dịch vụ công và cơ sở hạ tầng, bà Mai cho biết, dự kiến từ nay đến năm 2035, 36 bộ và cơ quan sẽ dời trụ sở tại Hà Nội về khu vực phía Tây Hồ Tây ở Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và khu vực Mễ Trì ở Nam Từ Liêm. Việc di dời quy mô lớn dự kiến sẽ chuyển dịch lực lượng lao động và giao thông đến khu vực này để tiện lợi tiếp cận các cơ sở dịch vụ công, góp phần thúc đẩy xu hướng dịch chuyển ra vùng ngoài trung tâm của thị trường văn phòng.
Nguồn cung tương lai rất lớn ở Khu đô thị mới Tây Hồ Tây có khả năng cạnh tranh với khu vực quận thương mại trung tâm, cận trung tâm và phía Tây, gây áp lực lên giá thuê và công suất trong tương lai, đặc biệt là đối với hạng A.
Việc đưa vào vận hành tuyến Metro 3.1 từ quý 3/2024 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nguồn cung và hiệu suất dọc theo tuyến Metro và về phía Tây.
Kể từ năm 2025 trở đi, dự kiến sẽ có 450.724 m² sàn tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Tất cả các dự án tương lai trong khu vực này đều sẽ là hạng A.
Đến năm 2026, dự kiến sẽ có 480.723 m² sàn từ 19 dự án. Văn phòng hạng A sẽ chiếm 75% thị phần với 14 dự án, trong đó 60% nguồn cung hạng A sẽ đến từ khu vực phía Tây. Văn phòng hạng B tính đến năm 2026 sẽ cung cấp 24% nguồn cung tương lai từ bốn dự án. Các dự án nổi bật từ 2024 đến 2026 bao gồm văn phòng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, BRG Diamond Park Plaza, Taisei Square Hà Nội, Tiến Bộ Plaza và Heritage West Lake.
Phân khúc văn phòng xanh tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế đang thể hiện sự quan tâm lớn tới các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), coi ESG như yếu tố then chốt trong hoạch định chiến lược phát triển và đưa ra quyết định kinh doanh. Đặc biệt, các công ty niêm yết tại Việt Nam và trên thế giới đều đang nỗ lực hướng tới mục tiêu “Net Zero”, áp dụng cả trong kinh doanh và quản trị. Do đó, lựa chọn văn phòng xanh trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp này.
Nhận định về xu hướng này, bà Mai cho biết: “Văn phòng xanh là xu thế không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn khu vực. Hiện nay, trung bình khoảng 40% nguồn cung văn phòng hạng A tại các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là văn phòng xanh”.
Mặc dù Việt Nam có phần chậm hơn trong quá trình chuyển đổi văn phòng xanh, các chủ đầu tư đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để bắt kịp xu hướng toàn cầu. Năm 2020, Hà Nội có tòa nhà đầu tiên đạt chứng chỉ xanh. Sau 4 năm, số lượng tòa nhà xanh đã tăng lên đáng kể. Trong năm nay, ít nhất 2 tòa nhà là Grand Terra 36 Cát Linh và Taisei Square Hà Nội dự kiến sẽ được cấp chứng chỉ xanh. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có 10% nguồn cung văn phòng đạt chứng chỉ xanh.
Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp hướng đến giá trị bền vững đang gia tăng, các chủ đầu tư ngày càng chú trọng đến việc phát triển các tòa nhà xanh. Theo phân tích từ bà Mai, các dự án xanh đem lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, đóng góp vào bảo vệ môi trường bền vững, tạo ra không gian làm việc nâng cao sức khỏe tinh thần, tăng tỉ lệ lấp đầy với thiết kế hướng đến khách thuê. Tỉ lệ trống trong dài hạn giảm nhờ vào việc khách thuê thường có xu hướng gắn bó lâu dài với chủ đầu tư.
Tòa nhà đạt tiêu chuẩn xanh cũng mang lại nhiều lợi ích ở phương diện quản lý vận hành. Thực tế, chi phí xây dựng văn phòng xanh ban đầu có thể cao hơn so với văn phòng truyền thống, song chi phí vận hành sẽ thấp hơn xét trên dài hạn.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của tòa nhà xanh, chủ đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố liên quan đến thiết kế và vận hành tòa nhà ngay từ giai đoạn nghiên cứu thị trường và xây dựng. Các yếu tố cơ bản về thiết kế có thể kể đến như vật liệu xây dựng, chất liệu sử dụng thân thiện, bền vững với môi trường. Ví dụ, các toà nhà xanh sẽ cố gắng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, cửa sổ cách âm, cách nhiệt để giảm thiểu điện năng khi dùng điều hòa, hay sử dụng các thiết bị vệ sinh thuộc loại tiết kiệm nước tối đa.
Trong quá trình vận hành, các tòa nhà cần tiếp tục bám sát tiêu chuẩn xanh. Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc, Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội nhấn mạnh: “Việc tối ưu công tác vận hành và quản lý hiệu quả năng lượng sử dụng tại các tòa nhà xanh sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư cũng như người sử dụng. Ngoài ra, các công trình có chứng chỉ xanh góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam tại COP26.
Đối với việc quản lý vận hành tòa nhà có chứng chỉ công trình xanh, Savills luôn tuân thủ các quy định về kiểm soát năng lượng, đảm bảo môi trường sinh hoạt và làm việc của khách hàng hay người dân trong tòa nhà được thoải mái, tối ưu hóa năng lượng sử dụng và năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, vòi rửa tay công cộng phải nhỏ hơn mức tiêu chuẩn 2 lít/phút, phải có sục khí, chế độ tự động tắt. Bồn cầu phải có hai chế độ xả hoặc một chế độ xả hiệu quả, tiết kiệm và có thông số lưu lượng xả cho bồn cầu. Khu vực cảnh quan ưu tiên sử dụng cây trồng chịu hạn và hệ thống tưới nước hiệu quả, tái sử dụng nước mưa cho tưới tiêu cũng như đảm bảo tuân thủ các chính sách vệ sinh xanh.”
Bà Vũ Kiều Hạnh cũng cho biết, với các tòa nhà đã đi vào vận hành nhưng muốn chuyển đổi sang tòa nhà xanh, chủ đầu tư cần chú trọng đến các hoạt động cải tạo để đáp ứng các tiêu chí của loại chứng chỉ xanh phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, ví dụ như EDGE, LEED, WELL hay BCI. Hiện nay các tòa nhà ở Việt Nam, đa phần chứng chỉ được áp dụng là LEED và EDGE.
Nhân Hà