Các quốc gia thành viên CPTPP cần cẩn trọng trước nỗ lực gia nhập hiệp định của Trung Quốc

15:15 22/10/2021

Mối quan hệ thương mại sâu rộng và đầu tư sâu sắc hơn với Bắc Kinh là "con dao hai lưỡi".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc đã thông báo chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng trước. Đây là một trong những hiệp định thương mại khu vực lớn trên thế giới. Tham gia vào khuôn khổ của hiệp định gồm 11 quốc gia thành viên: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiện, các nước cần đưa ra quyết định có chấp nhận đơn gia nhập của Trung Quốc hay không.

Singapore và Malaysia đã có động thái thể hiện ủng hộ sự xuất hiện của cường quốc lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, trước những quy định thương mại toàn cầu không được thân thiện, bên cạnh khả năng vũ khí hóa thương mại như một công cụ đe dọa các nước yếu thế hơn của Bắc Kinh, những quốc gia thành viên CPTPP nên nâng cao cảnh giác trước nỗ lực gia nhập khu vực thương mại tự do của Trung Quốc.

Có thể trở thành thành viên của CPTPP sẽ là một bước ngoặt mang tính biểu tượng, một chiến thắng chiến lược cho Trung Quốc. Tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là điểm sáng trong chiến lược kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi chính quyền Trump và Hoa Kỳ rút khỏi TPP năm 2017, những thành viên còn lại đã đi đến thành lập hiệp định mới CPTPP.

Trung Quốc hiện đang tìm cách thay thế Mỹ trở thành "người khổng lồ" kinh tế ở trung tâm của thỏa thuận. Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo nhà nước và cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mô tả đây là một động thái mang tính bước ngoặt nhằm "củng cố vai trò lãnh đạo của đất nước trong thương mại toàn cầu" và khiến Mỹ "ngày càng bị cô lập". Trở thành thành viên sẽ nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc, củng cố vị trí trung tâm của nước này trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đồng thời củng cố vị thế thống trị kinh tế ngày càng tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hơn thế nữa.

Trọng lượng kinh tế của Trung Quốc vượt quá trọng lượng của tất cả các thành viên CPTPP hiện tại cộng lại. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đa số các thành viên CPTPP, các nước này có thể sẽ chịu áp lực đáng kể khi cho phép Trung Quốc tham gia hiệp định. Đối với một số thành viên CPTPP, triển vọng thúc đẩy xuất khẩu bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khổng lồ Trung Quốc có thể tạo ra một động lực đáng kể để hỗ trợ các thành viên. Thế nhưng, dựa trên kinh nghiệm của Canada, Australia và nhiều nước khác đã chỉ ra, quan hệ thương mại và đầu tư sâu sắc hơn với Trung Quốc là con dao hai lưỡi. Phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc đồng nghĩa với việc dễ bị tổn thương hơn trước một nhà nước Trung Quốc ngày càng độc tài và hiếu chiến.

Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới là mục tiêu xâm lược thương mại của Trung Quốc. Ví dụ, gần đây, Trung Quốc đã chặn nhập khẩu thịt lợn, thịt bò, đậu nành và cải dầu của Canada, tùy tiện bắt giam hai công dân Canada để trả đũa việc nước này tham gia dẫn độ một giám đốc điều hành Huawei bị cáo buộc gian lận trong lệnh hạn chế thương mại của Hoa Kỳ, khiến Canada thiệt hại 4 tỷ USD hàng xuất khẩu. Tương tự, Trung Quốc ngừng nhập khẩu từ Úc để trả đũa việc nước này kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 cũng như những lời phàn nàn của Canberra về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc can thiệp vào chính trị nội bộ của Úc.

Là điểm đến cho gần 40% xuất khẩu của Australia, Bắc Kinh hạn chế nhập khẩu, nhắm vào danh sách cực kỳ rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp và khai khoáng, bao gồm than, đồng, gỗ, rượu, bia, bông, lúa mạch, thịt bò, thịt cừu, tôm hùm, đường, lúa mì và len đã gây ra đau đớn kinh tế nghiêm trọng cho các lĩnh vực xuất khẩu cốt lõi của Úc. Canada và Úc không hề đơn độc. Bắc Kinh có lời đe dọa và áp đặt các hạn chế thương mại để trừng phạt hơn một chục quốc gia vì các mối quan hệ khác nhau, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Philippines, Đài Loan, Mông Cổ và Vương quốc Anh. Mặc dù các hành động của Trung Quốc hoàn toàn vi phạm các quy tắc và nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng những quy tắc này hầu như không có tác động đến quyết định hành vi

Bên cạnh Trung Quốc, một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Đài Loan cũng bày tỏ quan tâm đến việc tham gia CPTPP. Quá trình gia nhập của Vương quốc Anh đã được tiến hành. Mở rộng thành viên trong hiệp định là một cách quan trọng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Nhưng các bên tham gia CPTPP cần phải nhớ rằng bất kỳ thành viên mới nào cũng sẽ phải tôn trọng và tuân thủ các quy tắc. Đối với các hành động thương mại đơn phương hung hăng, sử dụng sức mạnh thị trường để bắt nạt các quốc gia yếu hơn, Bắc Kinh đã thể hiện sự coi thường các quy tắc thương mại toàn cầu một cách trắng trợn.

Logic đằng sau các hiệp định thương mại như CPTPP là quan hệ thương mại giữa các quốc gia được điều chỉnh bởi pháp quyền. Yêu cầu cơ bản để trở thành thành viên của hiệp định thương mại này hoặc bất kỳ hiệp định thương mại nào khác phải là các quốc gia đồng ý chịu ràng buộc bởi nguyên tắc pháp luật trong thương mại. Cho đến khi Bắc Kinh thể hiện một cam kết đáng tin cậy về việc tuân thủ các quy tắc và ngừng sử dụng sức mạnh kinh tế như một công cụ áp đặt các quốc gia khác thì việc cho phép Trung Quốc CPTPP có thể sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.

TL (theo Nikkei Asia)