Các phương pháp định giá phù hợp giúp gọi vốn thành công

18:59 03/12/2022

Việc nhận định giá trị ban đầu trước khi đầu tư thường sẽ quyết định thành công thương vụ giữa startup và nhà đầu tư. Vậy phương pháp định giá Startup như thế nào?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi, là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 trong hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Tuy bị ảnh hưởng khó khăn bởi dịch COVID-19, song năm 2021 vừa qua, nền kinh tế đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Ngoài ra, 43.100 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên con số gần 160.000.

Doanh nghiệp khởi nghiệp Việt đang phát triển mạnh, cần tiếp cận các nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp thành công, từ các nhà đầu tư cá nhân và các Tập đoàn kinh tế hàng đầu.

 Định giá công ty startup là công việc gần như bắt buộc nếu các chủ doanh nghiệp đó đang cần kêu gọi vốn đầu tư hay cổ phần hóa. Nhìn chung việc định giá công ty startup ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình phát triển cũng gặp những khó khăn nhất định.

Dưới đây là một số phương pháp định giá giúp các startup gọi vốn thành công

Phương pháp so sánh (Comparables Method)

So sánh là phương pháp đơn giản dễ thực hiện. chỉ cần tìm ra một công ty tương ứng với công ty mà bạn định giá, rồi lấy giá trị công ty đó đem đi so sánh với công ty định giá để đưa mức giá trị phù hợp.

Ví dụ đơn giản: Startup A có giá trị hiện tại là 5 triệu USD, startup B là doanh nghiệp có hoạt động tương tự startup A (về quy mô, chỉ số), vậy nên giá trị của B cũng sẽ là 5 triệu USD.

Không trải qua nhiều bước phức tạp, phương pháp so sánh cho chúng ta kết quả nhanh chóng về việc định giá một công ty bất kì khi chưa có doanh thu, tuy nhiên nó cũng cho thấy nhiều hạn chế: như việc có nhiều startup có thật sự đủ tiềm lực để có thể được so sánh ngang bằng nhau, chưa có các con số cụ thể chi tiết nên không đủ đảm bảo để có được một con số ước lượng chính xác nhất.

 Phương pháp bảng điểm (Scorecard MeThod)

Đây là phương pháp được nhiều nhà đầu tư thiên thần (angel investment); sử dụng để định giá các doanh nghiệp startup. So với phương pháp so sánh nêu trên; phương pháp bảng điểm có nhiều ưu điểm cũng như chi tiết hơn.

Để đánh giá một doanh nghiệp sẽ có các tiêu chí như chất lượng người sáng lập (founder)/team; quy mô và thị trường tiềm năng; khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; chiến lược marketing; nguồn hàng phân phối;…Dựa trên những tiêu chí này để đưa ra mức giá so sánh với các đơn vị trong ngành; sau đó tính tổng lại và ra được “Hệ số định giá”. Giá trị thực của các doanh nghiệp startup sẽ được tính dựa vào việc dùng mức định giá trung bình nhân với hệ số định giá vừa có được.

Ví dụ: Các doanh nghiệp startup ABC hoạt động trong cùng một lĩnh vực có mức định giá trung bình là 10 triệu USD; doanh nghiệp D có hệ số định giá được cộng lại từ tất cả tiêu chí là 1,2; suy ra Pre-money valuation của doanh nghiệp D được định giá là 10 triệu x 1,2 = 12 triệu USD. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Phương pháp dòng tiền chiết khấu (Discounted Cashflow Method)

Đây là phương pháp định giá doanh nghiệp thông qua việc dự báo dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp đó, rồi chiết khấu về thời điểm hiện tại, với giả định rằng, giá trị của doanh nghiệp bằng tổng giá trị hiện tại của dòng tiền mà doanh nghiệp đó kỳ vọng tạo ra trong tương lai.

Trong phương pháp này, công thức tính toán được xây dựng chặt chẽ dựa trên tình hình tài chính doanh nghiệp, nên con số thu được sẽ có cơ sở hơn, dễ thuyết phục được cả start-up và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, việc dự báo dòng tiền rất khó, bởi nhiều start-up Việt Nam không làm báo cáo tài chính chuẩn chỉnh. Chưa kể, hầu hết start-up ở giai đoạn đầu đều có dòng tiền rất thấp, thậm chí chưa có doanh thu, nên mức định giá thu được từ phương pháp này thường rất nhỏ. Ngoài ra, việc dự báo cũng không hề dễ dàng, bởi không ai có thể dự báo chính xác những số liệu như tỷ lệ lạm phát, khủng hoảng tài chính, hay dịch bệnh, như đại dịch Covid-19.

Phương pháp định giá theo kiểu Berkus

Phương pháp xây dựng dựa theo giá trị tính bằng tiền của các yếu tố từ startup: ý tưởng; ứng dụng công nghệ; quan hệ chiến lực; khả năng phát triển sản phẩm và các triển khai bán hàng mang lại doanh thu.

Đây được xem là phương pháp dùng để định giá các công ty khởi nghiệp có nguồn doanh thu ban đầu; và được định giá theo tiềm năng pháp triển trong tương lai. Thường giá trị được đưa ra đối với các doanh nghiệp theo phương pháp kiểu Berkus sẽ là 2 triệu USD và cũng có thể lên đến 2,5 triệu USD. Trong quá trình hoạt động; người định giá chỉ cần thêm 0,5 triệu USD vào mỗi giai đoạn phát triển của startup.

Việc định giá doanh nghiệp startup trong giai đoạn ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, hy vọng thông qua các cách định giá chia sẻ bên trên sẽ giúp doanh nghiệp, cũng như các nhà đầu tư có được các phương pháp định giá đúng nhất về giá trị startup. Định giá đúng giúp tạo nên thành công bền vững cho các khoản đầu tư về sau.

 D.A (Tổng hợp)