Các nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản trong cuộc chạy đua vắc xin Covid mới

23:19 27/10/2021

Các nhà sản xuất vắc xin Nhật Bản đang chạy đua để ra mắt hàng loạt sản phẩm mới vào năm tới trước những dự đoán biến thể vi rút thế hệ tiếp theo sẽ tiếp tục hoành hành trong tương lai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Nikkei photo) 

Km Biologics, một công ty con thuộc Tập đoàn Meiji Holdings cho biết, đơn vị này hướng đến phát triển vắc xin bất hoạt để tiêm nhắc lại trong năm sau. Công ty có trụ sở tại Kumamoto đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn Hai vào tuần trước. Theo Toshiaki Nagasato, Chủ tịch của KM Biologics, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thất vắc xin của KM Biologics ít tác dụng phụ hơn so với các loại phổ biến do Pfizer, Moderna và AstraZeneca sản xuất. KM Biologics đang có kế hoạch chứng minh tính hiệu quả và an toàn của vắc xin khi tiêm nhắc lại cũng như phù hợp với trẻ dưới 12 tuổi, nhóm đối tượng chưa có kế hoạch tiêm chủng tại Nhật Bản. Theo tiết lộ, công ty vẫn chưa tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn trên toàn cầu bởi kế hoạch cần được chuẩn bị kĩ lưỡng.

Nhật Bản phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ và châu Âu do đó không thể tự chủ liều vắc xin khiến Nhật Bản rơi vào thế bị động. Sở dĩ điều này là do sản xuất vắc xin đòi hỏi cơ sở hạ tầng sản xuất lớn, hiện đại, bài bản không thể xây dựng một sớm một chiều. Bên cạnh đó, vắc xin có thời hạn sử dụng tương đối ngắn và khó dự trữ cũng là vấn đề kỹ thuật mà không phải quốc gia nào cũng xử lý được. Tất nhiên, nếu không có khả năng sản xuất vắc xin trong nước, không chỉ Nhật Bản mà bất kỳ đất nước nào cũng đứng trước nguy cơ nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch.

Daiichi Sankyo, một nhà sản xuất thuốc điều trị ung thư có trụ sở tại Tokyo cũng chia sẻ, công ty chuẩn bị thử nghiệm nghiệm giai đoạn 2 đối với vắc xin dựa trên công nghệ RNA vào năm tới và dự tính đưa ra thị trường trong năm tài chính 2022, bắt đầu vào tháng 4. Shionogi, một nhà sản xuất vắc xin khác của Nhật Bản, đặt mục tiêu cung cấp thuốc vào cuối tháng 3 năm 2022. Công ty có trụ sở tại Osaka đang phát triển "vắc xin protein tái tổ hợp", sử dụng các tế bào côn trùng biến đổi gen để tạo ra các bản sao của protein đột biến của COVID-19. Một công nghệ tương tự đang được các doanh nghiệp như Novavax, Sanofi và GSK áp dụng trong quá trình phát triển vắc xin. Shionogi đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 trong tháng này và có kế hoạch tiến hành giai đoạn 3 trên toàn cầu cùng lúc vào cuối tháng 12.

Giám đốc điều hành Shionogi, Isao Teshirogi chỉ ra kế hoạch này phụ thuộc vào việc vắc xin có nhận được sự chấp thuận từ chính phủ hay không. Ông nói: "Hệ thống phê duyệt có điều kiện vẫn tồn tại ở Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là liệu những yêu cầu như vậy có được áp dụng cho vắc xin hay không".

Số ca nhiễm Covid-19 đã giảm mạnh ở Nhật Bản sau khi hơn 70% dân số quốc gia này được tiêm chủng đầy đủ. Norio Tamura, người đứng đầu bộ phận kinh doanh vắc xin của Shionogi phát biểu: “Một số công ty đang phát triển vắc xin ở Nhật Bản nhưng chưa có bên nào đưa ra thị trường. Chúng tôi không có cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ để ứng phó với trường hợp khẩn cấp. Đất nước cần được tái thiết để sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ”.

TL