Các nhà mạng chuẩn bị tiến tới thương mại hóa dịch vụ 5G

10:06 07/09/2023

Sau khi đấu giá thành công, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép sử dụng tần số, cấp phép chính thức thương mại dịch vụ 5G cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thông tin về kế hoạch đấu giá các băng tần và triển khai thương mại hóa mạng 5G chiều ngày 6/9, Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết theo kế hoạch đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt về việc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các băng tần cho 4G/5G, Cục Tần số cùng các đơn vị liên quan đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị theo quy định.

Theo đó đã triển khai công tác tổ chức xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 700/2600/3700 MHz; xây dựng yêu cầu triển khai mạng viễn thông đối với doanh nghiệp tham gia đấu giá các băng tần 700/2600/3700 MHz.

Cùng với đó, xây dựng phương án tổ chức đấu giá để chuẩn bị cho việc tổ chức đấu giá các băng tần cho mạng 4G/5G vào tháng 11/2023.

Sau khi đấu giá thành công, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép sử dụng tần số, cấp phép chính thức thương mại dịch vụ 5G cho doanh nghiệp. Dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024, các nhà mạng sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G.

Thực tế, từ cuối năm 2019 đến nay, sau khi thử nghiệm kỹ thuật rồi đến thử nghiệm thương mại, 3 nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã triển khai dịch vụ 5G tại hơn 40 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, dịch vụ 5G chủ yếu được cung cấp tại các thành phố lớn, khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Tháng 7-2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã công bố thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dùng riêng cho nhà máy Pegatron tại Hải Phòng - nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hóa dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều kết nối.

Mặt khác, dịch vụ 5G hỗ trợ, phục vụ cho nhà máy thông minh sẽ thúc đẩy ứng dụng ở các doanh nghiệp có nhà máy, kho tàng, bến cảng, sân bay…, vốn đòi hỏi khả năng kết nối an toàn, tin cậy mà mạng wifi chưa đáp ứng được. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam có hệ thống khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm logistics ở hầu hết các tỉnh, thành phố, khu kinh tế trong cả nước, việc ứng dụng 5G dùng riêng kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế nói chung và các lĩnh vực sản xuất nói riêng…

Chủ trương phát triển mạng 5G đã nhận được sự hưởng ứng từ 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone, song đến nay, Việt Nam vẫn chưa thương mại hóa dịch vụ 5G do chưa đấu giá được băng tần.

Phải nói thêm rằng, các kế hoạch, quy hoạch băng tần và việc triển khai thương mại dịch vụ 5G chỉ thành hiện thực khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép sử dụng tần số và cung cấp dịch vụ 5G cho nhà mạng. Theo quy định của luật, việc cấp phép sử dụng tần số 5G được thông qua hình thức đấu giá. Tháng 5-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá với khối băng tần dành cho 4G, 5G (2.300-2.400MHz), tuy nhiên không có doanh nghiệp nào tham gia. Được biết, nguyên nhân là do giá khởi điểm cao và doanh nghiệp không thể nộp hồ sơ tham gia đấu giá.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, việc thương mại hóa 5G sẽ được thực hiện theo nguyên tắc phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, là nền tảng từng bước phát triển các ứng dụng, dịch vụ 5G, nâng cao nhu cầu của thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Hiện nay Bộ TT&TT cũng đã dự tính trước về công nghệ 6G và đã thành lập một ban chỉ đạo chuyên trách. Bộ mong muốn Việt Nam sẽ song hành cùng thế giới trong việc nghiên cứu và sản xuất thiết bị 6G, dự kiến triển khai vào năm 2030.

Phát biểu tại tọa đàm "Phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm 5G", tổ chức mới đây, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) nhận định, việc thương mại hóa 5G không chỉ cần các thiết bị đầu cuối, độ phổ cập của điện thoại 5G, các thiết bị IoT, mà còn cần cả một hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng IoT để sử dụng một cách hiệu quả.

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho rằng, để triển khai một mạng viễn thông di động thế hệ mới có hiệu quả, cần có thời gian để các yếu tố trở nên chín muồi.

"So với 97 nước đã thương mại 5G thì Việt Nam có thể nói là hơi chậm, nhưng so với yêu cầu có ứng dụng, thiết bị giá thành hợp lý, có người dùng và đạt hiệu quả kinh tế thì điều này là hoàn toàn phù hợp", ông Đoàn Quang Hoan nói, đồng thời cho biết cơ quan quản lý đang gấp rút để có thể đấu giá cấp phép tần số 5G vào cuối năm nay.

Minh Phương (T/h)