Các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Thụy Điển cần chú ý các quy định về giấy phép nhập khẩu

14:27 30/12/2021

Thụy Điển - một trong các quốc gia Bắc Âu nổi tiếng về sự khó tính về chất lượng sản phẩm nhập khẩu cũng như các quy định về xuất nhập khẩu đặc biệt là về giấy phép nhập khẩu.

1 cảng xuất nhập khẩu tại Thụy Điển

1 cảng xuất nhập khẩu tại Thụy Điển. (Ảnh: Vessel Finder)

Cụ thể, sau khi Thụy Điển gia nhập Liên minh châu Âu vào ngày 1 tháng 1 năm 1995, rất nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển yêu cầu bắt buộc phải có giấy phép. Cần phải liên hệ với cơ quan cấp giấy phép trước khi tiến hành nhập khẩu.

Thông tin đăng ký cấp phép được gửi hàng ngày cho Uỷ ban châu Âu tại Brussels (Bỉ) phê duyệt. Riêng hàng công nghiệp sẽ do Uỷ ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển cấp giấy phép.

Hầu hết các mặt hàng dệt may và các sản phẩm sắt thép, thủy sản và nông sản yêu cầu giấy phép nhập khẩu.

Trước khi nhập khẩu, nhà nhập khẩu nên tìm hiểu các qui định áp dụng đối với mặt hàng của mình. Dưới đây là ví dụ một số mặt hàng cần có giấy phép: 

- Hải sản: Thụy Điển áp dụng luật lệ của EU về hạn chế số lượng nhập khẩu cá Tuna và cá Sardine đóng hộp. Do vậy, nhập khẩu các mặt hàng này cần xin phép Ủy ban Ngư nghiệp Quốc gia;

- Động vật sống, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và hàng nông sản: xin giấy phép của Uỷ ban Nông nghiệp;

- Thực phẩm: xin giấy phép của Cơ quan Thực phẩm Quốc gia.

- Các loại cây và rau quả: Các loại nhiễm sâu bọ và ký sinh trùng không được phép nhập khẩu. Một vài loại rau quả và sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật chỉ có thể được nhập khẩu với điều kiện có giấy xác nhận kiểm dịch của Cơ quan Bảo vệ thực vật của nước sản xuất. Giấy xác nhận phải được trình tại thời điểm hàng đến cửa khẩu. Một số mặt hàng bắt buộc phải có giấy xác nhận kiểm dịch là: các loại thân củ, rễ củ, thân ống, thân rễ, ở dạng ngủ, đang phát triển, hoặc đang trổ bông; cây và rễ của các loại rau diếp xoăn, trừ rễ thuộc nhóm 12.12 theo Biểu Thuế hải quan chung; các loại cây sống khác (kể cả rễ), cành giâm hay cành ghép; hoa cắt và hoa nụ của các loài như Argeranthemum, Dendranthema, và Gypsophila cũng như các loại phong lan từ các nước ngoài châu Âu; rau quả, tươi, hoặc đông lạnh: khoai tây, hành (allium), tỏi, rau diếp xoăn, các loại rễ củ, cần tây trắng, củ sắn, củ dong, và củ lan, cây Artiso Jerrusalem, khoai lang, và các loại củ rễ tương tự; những sản phẩm tươi sau đây: Cam quýt từ các nước ngoài châu Âu nhưng không thuộc vùng Địa Trung Hải, táo, lê, mộc qua (quinces), mơ, sơ ri, đào (kể cả xuân đào), mận, và mận gai từ nước ngoài châu Âu; những loại hạt giống để trồng trọt: ngô (ngô Zea), hướng dương (Helianthus), củ cải (Betavulgaris), cỏ linh lăng (Medicago satiua), cà chua (Lycopersicon lycopersicum), củ cải đường dạng tươi, củ cải Thụy Điển, củ cải dạng tươi và các loại rễ khác làm thức ăn gia súc. Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển chịu trách nhiệm cấp phép cho các mặt hàng nói trên;

- Động vật: Hiệp định Washington tức là Hiệp định Quốc tế về Buôn bán các động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đã có một số hạn chế hoặc cấm nhập khẩu động thực vật này và các sản phẩm của chúng. Phòng Kiểm dịch Thú y của Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển cấp giấy phép nhập khẩu liên quan đến các mặt hàng này;

- Dược phẩm: Dược phẩm được lưu thông tự do từ các nước thành viên khác của EEA có thể được nhập khẩu vào Thụy Điển nhưng không được bán hay tiếp thị trước khi có sự phê chuẩn của Cơ quan Dược phẩm (MPA). Việc nhập khẩu dược phẩm từ các nước ngoài EU và EEA cần có giấy phép sản xuất hoặc lưu thông trên thị trường;

- Dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: cần được Cơ quan Dược phẩm chấp nhận cấp phép trước khi nhập khẩu và tiếp thị;

- Hầu hết các hàng hóa công nghệ phẩm (các hàng hóa không phải hàng nông sản) được nhập khẩu vào Thụy Điển không cần giấy phép. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, như sản phẩm sắt và thép nhập khẩu từ các nước ngoài EFTA (HS72); một số sản phẩm từ Trung Quốc; sản phẩm dệt…;

- Sắt, thép, nhôm, và các sản phẩm: giấy phép do Uỷ ban Thương mại Quốc gia cấp;

- Vũ khí, đạn dược: chỉ có các cơ quan có thẩm quyền được nhập khẩu và phải có giấy phép đặc biệt do Cơ quan Cảnh sát Thuỵ Điển cấp.

Hương Thảo