Cà Mau: Sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ, tạo ra môi trường cạnh tranh sôi động

10:48 09/07/2024

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã mở ra nhiều cơ hội, giúp các sản phẩm nông nghiệp nông thôn nâng cao giá trị và mở rộng thị trường.

Sức hút của chương trình được lan tỏa khiến số lượng và chất lượng sản phẩm đặc trưng từ các địa phương trong tỉnh và cả nước ngày càng tăng, tạo nên một môi trường cạnh tranh sôi động. Phát triển sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Hiện tại, ở Cà Mau có 59 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tiềm năng. Các ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ các chủ thể và hộ kinh doanh đăng ký chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, sản xuất xanh, nhằm nâng cao chất lượng, uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiện các ngành chức năng tích cực hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng và giữ uy tín thương hiệu để đưa sản phẩm quê hương vươn xa ra thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. (Trong ảnh: Phơi bánh phồng tôm tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn).
Hiện các ngành chức năng tích cực hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng và giữ uy tín thương hiệu để đưa sản phẩm quê hương vươn xa ra thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. (Trong ảnh: Phơi bánh phồng tôm tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn).

Toàn tỉnh hiện có 142 sản phẩm OCOP của 68 chủ thể, trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao và 113 sản phẩm đạt 3 sao. Có 46 sản phẩm của 17 chủ thể đã được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh. Với sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng và quyết tâm từ các chủ thể, hộ kinh doanh đã đạt được kết quả đáng khích lệ. 46 sản phẩm của 17 chủ thể đã được phân phối trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng như Big C, Co.opmart, Aeon, MEGA Market, Finelife supermarket, Fuji Mart, Top Go, và chuỗi cung ứng Nutrimart. Ngoài ra, 140 sản phẩm đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử madeincamau.com, 57 sản phẩm trên sàn Buudien.vn; và 35 sản phẩm của 24 chủ thể đã thực hiện truy xuất nguồn gốc trên Cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Điều này đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm và doanh thu, với giá bán sản phẩm tăng 20%, có sản phẩm tăng từ 25-30%, và doanh thu tăng khoảng 10-30% so với trước khi được công nhận.

Chị Lê Trúc Ly, từ ấp Tân Phong B, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, chia sẻ: "Nhờ sự khuyến khích và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, năm nay tôi đã quyết tâm cải tiến chất lượng và tham gia 2 sản phẩm OCOP là tôm khô và muối tôm. Tôi hy vọng môi trường kinh doanh hiện đại sẽ thúc đẩy đầu ra và nâng cao thu nhập cho gia đình".

Chị Lê Trúc Ly, với sản phẩm muối tôm đăng ký OCOP năm nay.
Chị Lê Trúc Ly với sản phẩm muối tôm đăng ký OCOP năm nay.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cho biết, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh và các cơ quan chức năng ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình OCOP. Các sở, ngành, đơn vị và địa phương đã chủ động rà soát và lồng ghép chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình OCOP vào kế hoạch hoạt động hàng năm, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Chi cục Phát triển Nông thôn đã ký kết kế hoạch phối hợp với Phân hiệu Đại học FPT tại TP. Hồ Chí Minh để thực hiện Dự án "Đồng hành cùng Chương trình OCOP Cà Mau năm 2024". UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 928/QĐ-UBND, ngày 9/5/2024, phân công các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng hạng sản phẩm OCOP đạt 5 sao tỉnh Cà Mau năm 2024-2025. Chi cục Phát triển Nông thôn đã thành lập Tổ Hỗ trợ chủ thể nâng hạng sản phẩm OCOP đạt 5 sao trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2024-2025, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và uy tín của các sản phẩm đặc trưng và OCOP của tỉnh.

Theo kế hoạch đầu năm, có 79 sản phẩm của 54 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP, bao gồm 64 sản phẩm mới và 15 sản phẩm đánh giá lại. Hiện tại, địa phương đang tập trung hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình. Dự kiến đến cuối năm nay, sẽ phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm, công nhận ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3-4 sao (bao gồm ít nhất 1 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng/du lịch sinh thái/điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP), nâng tổng số sản phẩm được công nhận trên địa bàn tỉnh lên 168 sản phẩm. Đồng thời, phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 15 sản phẩm đạt 4-5 sao, và có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, và sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ngọc Thư (Theo CMO)