Theo Hãng tin AP, ngày 11-5 Ủy ban Thị trường nội khối và Ủy ban Về quyền tự do dân sự thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua hơn 3.000 điều chỉnh trong Dự luật Quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) của khối này. Động thái này đánh dấu bước tiến mới trong quy trình thông qua đạo luật chính thức quản lý các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT.
Đạo luật AI đang được mong đợi tại Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở thành luật hoàn chỉnh đầu tiên quản lý công nghệ này, với những quy định xung quanh việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, kiểm tra sinh trắc và các ứng dụng AI khác.
Những thay đổi mới trong dự luật yêu cầu các đơn vị phát triển AI tiến hành việc đánh giá mức độ an toàn, có giải pháp quản lý dữ liệu và giảm thiểu rủi ro trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Các chính phủ và công ty sử dụng công nghệ AI sẽ phải tuân thủ những nghĩa vụ khác nhau tùy theo mức độ nguy cơ.
Với các sản phẩm được tạo ra bằng những ứng dụng như ChatGPT hay Midjourney (phần mềm vẽ tranh theo mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên của người dùng), nhà sản xuất phải nêu rõ cảnh báo đây là sản phẩm của AI chứ không phải con người.
Việc sử dụng công nghệ xác thực sinh trắc học, đặc biệt là nhận diện khuôn mặt, cũng bị cấm ở nơi công cộng, trừ trường hợp chống khủng bố. Bên cạnh đó, những thay đổi mới cũng cấm cảnh sát dùng AI để đánh giá khả năng phạm tội của một người dựa trên hồ sơ tiền án.
Thông cáo báo chí của Nghị viện châu Âu nêu rõ: "Qua những điều chỉnh đã được thông qua hôm nay, các nhà làm luật châu Âu hướng đến việc đảm bảo các hệ thống AI được giám sát bởi người dân, an toàn, minh bạch, dễ dàng nhận biết, không phân biệt đối xử và thân thiện với môi trường".
Hãng tin Reuters nhận định những điều chỉnh được thông qua vào ngày 11-5 sẽ là bước tiến đầu tiên hướng đến đạo luật kiểm soát AI đầu tiên thế giớ
Trong tháng tới, văn bản dự thảo sẽ được đưa ra toàn thể nghị viện thông qua trước khi tiếp tục được chuyển tới các nước thành viên EU xem xét và hoàn thiện.
Dù danh sách được Ủy ban châu Âu đề xuất đã bao gồm các trường hợp sử dụng AI trong quản lý cơ sở hạ tầng trọng yếu, giáo dục, nhân lực, trật tự công cộng và nhập cư nhưng các nghị sỹ EP cũng mong muốn bổ sung những ngưỡng quy định phân định những mối đe dọa với an ninh, y tế và các quyền cơ bản.
Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu của 2 ủy ban nghị sỹ, ông Dragos Tudorache, nghị sỹ phụ trách soạn thảo các điều luật cho rằng xã hội đang mong đợi các cơ quan lập pháp có hành động kiên quyết với AI và tác động của công nghệ này với cuộc sống của người dân.
Dự luật Quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) của EU được giới chuyên gia đánh giá là khéo léo, thay vì cấm đoán AI- một công nghệ được xem là xu hướng phát triển tất yếu mới thì việc ban hành luật để hướng các nhà phát triển AI tạo sinh phải thiết kế cho các công cụ này những biện pháp bảo vệ thích hợp để nó không tạo ra nội dung vi phạm luật của quốc gia sở tại.
Tại Trung Quốc, Cơ quan Quản lý mạng Trung Quốc (CAC) cũng đã công bố dự thảo các quy định áp dụng cho việc phát triển những sản phẩm như ChatGPT.
Dự thảo đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc tìm cách quản lý sự phát triển của AI tạo sinh, trong bối cảnh các đại gia công nghệ trong nước bắt đầu triển khai những sản phẩm tương tự ChatGPT.
Theo đó, dự thảo của CAC đã thiết lập các quy tắc cơ bản mà các dịch vụ cung cấp AI tạo sinh phải tuân thủ, bao gồm dạng nội dung những dịch vụ này được phép tạo ra. Nội dung cần thể hiện các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và tôn trọng quyền lực nhà nước.
Các công ty phải đảm bảo dữ liệu dùng để huấn luyện những mô hình AI này sẽ không phân biệt đối xử về vấn đề chủng tộc, giới tính, và không tạo ra tin vịt. Một khi hoàn thiện, CAC sẽ công bố phiên bản cuối cùng và dự kiến áp dụng trong năm nay.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng bắt đầu thu thập ý kiến người dân về những biện pháp cần thực thi để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng các hệ thống AI.
Trước đó, ông Biden cũng nói với các cố vấn khoa học và công nghệ rằng AI có thể giúp nêu lên những vấn đề về bệnh tật và biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng cần xử lý các nguy cơ tiềm ẩn đối với xã hội, an ninh quốc gia và kinh tế.
Phương Linh (t/h)