Bước đi mới của châu Âu trong việc kiểm soát công cụ ChatGPT

16:03 14/04/2023

Theo cơ quan bảo vệ dữ liệu châu Âu, các nước thành viên hy vọng sẽ phối hợp với nhau đưa ra chính sách chung về ChatGPT, song việc này sẽ cần nhiều thời gian.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cơ quan bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB) ngày 13/4 đã thành lập đội đặc nhiệm chuyên trách về ChatGPT, một động thái nhằm thiết lập một chính sách chung về các quy tắc quyền riêng tư trên trí tuệ nhân tạo (AI).

EDPB là một cơ quan độc lập giám sát các quy tắc bảo vệ dữ liệu trong Liên minh châu Âu và bao gồm các cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu quốc gia. 

EDPB là cơ quan độc lập có chức năng giám sát việc thực hiện quy định bảo vệ dữ liệu tại Liên minh châu Âu, gồm các cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu quốc gia của các thành viên trong khối.

“Các thành viên EDPB đã thảo luận về hành động thực thi gần đây của cơ quan bảo vệ dữ liệu tại Italy nhằm vào OpenAI và dịch vụ ChatGPT”, trích tuyên bố của nhà chức năng.

Theo đó, quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên trách từ EDPB nhằm thúc đẩy hợp tác và trao đổi thông tin về các hành động thực thi có thể được thực hiện bởi các cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia thành viên.

Theo EDPB, các nước thành viên hy vọng sẽ phối hợp với nhau đưa ra chính sách chung về ChatGPT, song việc này sẽ cần nhiều thời gian. Vấn đề trên đã được đưa vào chương trình làm việc của EDPB sau đề nghị của Tây Ban Nha hồi đầu tuần này.

ChatGPT, một chương trình AI thu hút sự chú ý của công chúng nhờ khả năng viết câu trả lời nhanh chóng cho nhiều loại câu hỏi, đang đặt ra lo ngại về các mối đe dọa nó có thể gây ra sự an toàn, quyền riêng tư và công việc.

Động thái này của EDPB được đưa ra trong bối cảnh Công ty OpenAI đã buộc phải đình chỉ ChatGPT tại Italy vào ngày 31/3 sau khi chính quyền tạm thời hạn chế dịch vụ này và bắt đầu điều tra do nghi ngờ vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư. 

Cơ quan của Italy cáo buộc OpenAI đã không kiểm soát tuổi của người dùng ChatGPT và chỉ trích việc "không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào" biện minh cho việc thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân khổng lồ. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các quy định mới để quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) vì tác động tiềm ẩn của công nghệ này đối với an ninh quốc gia, việc làm và giáo dục.

Trong khi đó tại Mỹ, lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết, ông đã đưa ra nỗ lực thiết lập các quy tắc về AI để giải quyết các lo ngại về giáo dục và an ninh quốc gia, khi việc sử dụng các chương trình như ChatGPT trở nên phổ biến.

Schumer cho biết trong một tuyên bố rằng, ông đã soạn thảo và ban hành một "khuôn khổ vạch ra một quy trình quản lý mới có thể ngăn chặn thiệt hại thảm khốc có thể xảy ra đối với đất nước chúng ta".

Kế hoạch của Schumer sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng, đồng thời có thể mất vài tháng hoặc hơn để được áp dụng. Tuy nhiên, đây là bước đi cụ thể nhất mà Mỹ thực hiện để giải quyết những lo ngại đang gia tăng về trí tuệ nhân tạo.

Mai Anh (t/h)