Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện

09:20 12/11/2021

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

  Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện.( Ảnh minh họa)

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tần số vô tuyến điện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi. Bên cạnh đó, sau khi Luật Tần số vô tuyến điện ra đời đến nay, hệ thống pháp luật đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới có liên quan đến nội dung của Luật Tần số vô tuyến điện đã được ban hành, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đấu giá tài sản 2016... Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện là thực sự cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về tần số vô tuyến điện hiện nay.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện nhằm mục đích thúc đẩy phát triển thông tin vô tuyến nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung; đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia; bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh; đảm bảo hoạt động sử dụng tần số vô tuyến điện thông suốt và tuân thủ luật pháp.

Bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Dự thảo Luật bổ sung “Điều 18a. Cách thức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện” như sau:

Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo nguyên tắc cho phép người tham gia đấu giá được thay đổi số lượng khối băng tần hoặc vị trí khối băng tần muốn mua tại cuộc đấu giá và được thực hiện theo quy định.

Cách thức đấu giá nhiều vòng, đồng thời tất cả các khối băng tần và cho phép người tham gia đấu giá được linh hoạt quyết định số lượng khối băng tần muốn mua tại cuộc đấu giá.

Cuộc đấu giá gồm giai đoạn xác định số lượng khối băng tần trúng đấu giá của người tham gia đấu giá và giai đoạn xác định vị trí cụ thể khối băng tần trúng đấu giá của người trúng đấu giá.

Tại mỗi vòng, người tham gia đấu giá có quyền trả giá cho bất kỳ khối băng tần nào. Để được tiếp tục trả giá ở các vòng sau, người tham gia đấu giá phải duy trì quyền trả giá của mình bằng cách trả tiếp cho khối đã trả nếu không phải là người trả giá cao nhất tại vòng trước đó hoặc chuyển sang trả giá cho khối băng tần khác.

Cuộc đấu giá kết thúc khi không có người nào trả giá hoặc không có người nào còn quyền trả giá. Người được xác định trúng đấu giá tại một khối băng tần là người trả giá cao nhất cho khối băng tần đó.” .

Bổ sung quy định về cấp mới giấy phép sử dụng băng tần

Dự thảo cũng bổ sung “Điều 22a. Cấp mới giấy phép sử dụng băng tần” như sau:

Khi giấy phép sử dụng băng tần lần đầu được cấp thông qua đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hết hạn sử dụng, tổ chức được xem xét cấp mới thông qua phương thức cấp giấy phép trực tiếp trong các trường hợp sau:

Khi quy hoạch băng tần tại thời điểm cấp mới không làm thay đổi phân bổ khối băng tần so với quy hoạch băng tần đã áp dụng để cấp phép cho các tổ chức trước đó;

Khi quy hoạch băng tần tại thời điểm cấp mới có thay đổi phân bổ khối băng tần so với quy hoạch băng tần đã áp dụng để cấp phép cho các tổ chức trước đó nhưng vẫn đảm bảo khả năng phân bổ cho các tổ chức đó.

Trước khi giấy phép sử dụng băng tần hết hạn ít nhất 3 năm, Bộ TT&TT thông báo về kế hoạch cấp phép, phương thức cấp phép đối với băng tần đã cấp.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất, tổ chức, cá nhân được sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện và các quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ khi được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong các trường hợp sau đây:

a) Sử dụng tạm thời trong thời gian không quá 30 ngày;

b) Sử dụng cho mục đích thử nghiệm công nghệ, nghiên cứu, chế tạo và các trường hợp tương tự.

PV