Bài liên quan |
Quảng Ngãi trích 10 tỷ đồng và kêu gọi ủng hộ các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão, lũ |
Cộng đồng doanh nghiệp hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra |
Bộ Tài chính sẽ xem xét và đề xuất phương án hỗ trợ tài chính cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu bão, nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Trung ương. Cụ thể, các địa phương sẽ được đánh giá lại kết quả thu ngân sách trong năm 2024 để xác định mức độ hỗ trợ cụ thể.
Trong trường hợp các địa phương đã thực hiện đầy đủ các biện pháp tài chính mà vẫn chưa cân đối được ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp tình hình và lập kế hoạch hỗ trợ, sau đó trình cấp có thẩm quyền để quyết định. Quy trình này đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính xem xét, đề xuất phương án hỗ trợ cho các địa phương thiệt hại do bão lũ. |
Bộ Tài chính khuyến nghị các địa phương nỗ lực hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu ngân sách đã được giao trong năm 2024, đồng thời tập trung vào việc giải ngân vốn đầu tư công, tiết kiệm chi tiêu và chủ động cân đối ngân sách. Điều này nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.
Ngoài ra, để ứng phó với hậu quả nghiêm trọng từ bão số 3 và hoàn lưu bão, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương khẩn trương huy động mọi nguồn lực có sẵn, bao gồm ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách và quỹ dự trữ tài chính, để khắc phục hậu quả. Các địa phương cũng cần báo cáo chi tiết về tình hình thiệt hại và đề xuất hỗ trợ cụ thể từ ngân sách Trung ương. Các báo cáo này sẽ được gửi đến các bộ ngành liên quan để tổng hợp và trình Thủ tướng phê duyệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chịu trách nhiệm chủ trì việc rà soát, đánh giá thiệt hại và xây dựng kế hoạch hỗ trợ.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn. Bão đã gây ra tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng cùng lúc, cả trên biển và trên bờ, toàn bộ địa bàn của một số địa phương và tại nhiều địa phương, khiến công tác thông tin, liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn càng trở nên khó khăn, nặng nề và nhiều thách thức hơn. Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại còn có thể còn nặng nề hơn. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cơn bão số 3 đã tác động toàn diện tới tình hình kinh tế - xã hội của nước ta. Đến nay đã có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương. Bão lũ gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ. |