Bộ KHĐT trình Chính phủ 5 chính sách chính để phục hồi kinh tế - xã hội

15:13 25/11/2021

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) - Trần Quốc Phương cho biết, cơ quan này đã hoàn thành báo cáo về chương trình phục hồi kinh tế – xã hội và trình Chính phủ cho ý kiến thông qua với 5 chính sách chính.

 Ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư. Ảnh: Bộ KHĐT cung cấp. 

Thứ nhất, chính sách về phòng, chống dịch Covid-19 với nội dung chính là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Về ngắn hạn, ông Phương cho biết các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện loạt giải pháp về tiêm chủng vaccine, xét nghiệm, điều trị. “Tất cả đều cần kinh phí và sẽ được thể hiện trong chính sách về tài khoá – tiền tệ”, ông Phương nói.

Về dài hạn, Chính phủ sẽ tập trung phải nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Cụ thể, mạng lưới y tế cơ sở sẽ hướng tới mục tiêu nâng cao năng phát hiện người nhiễm bệnh và ứng xử ban đầu với bệnh nhân. Còn các cơ sở y tế tuyến trên sẽ tập trung điều trị các bệnh nhân nặng để giảm tối đa số tử vong do Covid-19. “Nếu không phòng, chống dịch hiệu quả thì không thể thích ứng an toàn”, ông Phương nhấn mạnh.

Thứ hai, chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Theo đó, đối tượng điều chỉnh của các chính sách sẽ được mở rộng, trong đó có các đối tượng như công nhân trong các khu công nghiệp với mục tiêu chính là giữ chân lao động, thu hút động trở lại nơi làm việc. Đồng thời, bảo đảm người lao động tại các trung tâm kinh tế có điều kiện sinh hoạt, ăn, ở, gắn bó lâu dài.

Để thực hiện chính sách này, ông Phương cho biết, sẽ xây dựng cơ chế phát triển, quản lý, vận hành, bán hoặc cho thuê nhà ở với giá ưu đãi. Đồng thời, bố trí nguồn tài chính hỗ trợ hai đầu cho người mua nhà và đơn vị đầu tư, xây dựng. “Tất cả để có một sản phẩm đầu ra tối ưu nhất cho người lao động, đặc biệt là công nhân”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, các Bộ, ngành, địa phương sẽ có một số giải pháp tiền tệ như cho vay ưu đãi với học sinh, sinh viên, cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học. “Quan điểm chính của chính sách này gắn quan điểm tổng thể của đề án phục hồi, đó là phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển xã hội và con người. Trong đó, an sinh xã hội là trọng tâm trong phát triển bền vững”, ông Phương nói. 

An sinh xã hội là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm quá trình phục hồi kinh tế bền vững. Ảnh minh hoạ: Tiến Chương. 

Thứ ba, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sách này sẽ tập trung vào các giải pháp tài khoá như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí. Ngoài ra, các chính chính sách tiền tệ như cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất cũng được triển khai để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ tư, chính sách kích cầu đầu tư công. Ông Phương cho biết, chính sách có ý nghĩa kép – kích thích chi tiêu đầu tư công nhất thời để kích thích tăng trưởng ngắn hạn và hỗ trợ tăng trưởng giai đoạn 2026 – 2030.

Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung phát triển các hạ tầng lớn có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, hoàn thành xây dựng cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.

Thứ năm, chính sách quản lý điều hành để bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát và rủi ro. Theo ông Phương, nội hàm của chính sách này là cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước – chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

“Nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài sẽ cảm thấy ngại và từ chối đầu tư, huỷ dự án vì có quá nhiều thủ thủ tục. Để thay đổi việc này cần quyết tâm thay đổi rất lớn của các Bộ, ngành”, ông Phương nói.

Theo kịch bản của Bộ KHĐT, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2022 và cao hơn trong năm 2023 nếu các chính sách phục hồi kinh tế – xã hội được thực hiện nhanh.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 12-2021 hoặc đầu tháng 1-2022 để xem xét 5 nội dung quan trọng, trong đó có đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Ông Phương cho biết, những chính sách này đã tạo ra nhiều tác động tích cực với doanh nghiệp khi tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp mới trong tháng 10-2021 cao hơn 2 lần so với tháng 9, 10. Ngoài ra, các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá.

PV