Bình Nguyên (Cao Bằng): Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Dao đỏ

22:46 15/10/2021

Những năm qua người dân tộc dao đỏ tại Cao Bằng luôn luôn giữ gìn nét đẹp truyền thống từ trang phục đến ngôn ngữ trong tâm niệm người dân nơi đây việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống như là nghĩa vụ với cha ông. Có thể nói nét đẹp văn hóa, chứa đựng tinh hoa và nét sáng tạo nghệ thuật riêng trong từng bộ trang phục.

Theo như một người dân có tuổi nơi đây chia sẻ rằng: Lúc mới sinh ra cha ông luôn dặn dò con cháu rằng phải lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua từng bộ trang phục truyền thống, ngôn ngữ, bản sắc dân tộc. Nói đến trang phục  thì có hai loại trang phục là là thường phục và lễ phục.

Với nam giới, trang phục hàng ngày đơn giản với áo chàm đen; lễ phục cầu kỳ hơn với áo dài đỏ và họa tiết cỏ cây, hoa lá sặc sỡ. Với nữ giới, trang phục của họ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Các hoa văn trên trang phục được người Dao đỏ được thêu chủ yếu bằng tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ. 

  Lễ phục người Dao đỏ với họa tiết sặc sỡ

Người Dao đỏ thường dùng vải nhuộm chàm để may trang phục. Mỗi bộ trang phục hoàn thiện gồm 5 màu cơ bản là: đỏ, xanh, trắng, vàng và đen. Trong đó, màu đỏ màu là chủ đạo với quan niệm mang lại may mắn, hạnh phúc và đủ đầy cho con người. Đặc biệt là trên bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ còn được trang trí bằng nhiều hoa văn phong phú, đẹp mắt với màu sắc cơ bản là chàm, đỏ và trắng.

Thân trước của áo bắt đầu từ viền đỏ ở cổ áo đính hai hàng hoa bạc; từ cổ áo trở xuống nẹp một dải vải đỏ để đính một hàng cúc bạc gồm 7 đến 9 cúc, trên mặt cúc được chạm khắc hoa mặt trăng và mặt trời. Đây là bộ phận được trang trí nhiều bạc nhất bởi theo quan niệm của người dân, dùng bằng bạc vừa để trang trí và vừa bảo vệ sức khoẻ, đồng thời thể hiện sự sung túc trong đời sống của mỗi gia đình.

  Trang phục của người Dao đỏ

Ngày nay các hộ gia đình tại nơi đây đã xây dựng không gian thêu, may cũng như trưng bày các sản phẩm trang phục, thổ cẩm để du khách đến thăm quan, mua sắm tại nhà hoặc bán tại các chợ phiên trong huyện. Góp phần ổn định kinh tế, đồng thời bảo tồn và lưu giữ được nét đẹp văn hóa trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Vũ Văn Tiến