![]() |
Bình Dương chỉ đạo xử lý vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu |
Trước sức ép từ diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế, đặc biệt là rủi ro về chính sách thuế của Mỹ, UBND tỉnh Bình Dương đã có động thái quyết liệt, thể hiện tinh thần "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp". Tỉnh đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp đến hết tháng 6/2025 – trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm – và chỉ đạo các sở ngành, cơ quan chuyên môn thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
Từ ngày 5 đến 8/4/2025, toàn tỉnh đã ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng từ thị trường Mỹ bị thông báo hoãn hoặc hủy, và ít nhất 175 đơn hàng khác đứng trước nguy cơ bị hủy tiếp. Các ngành gỗ nội thất, dệt may, giày dép, điện tử và nhựa đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Hải quan và Cục Thuế, bố trí cán bộ làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, nhằm đảm bảo không gián đoạn việc xử lý hồ sơ xuất khẩu, hoàn thuế, thông quan hàng hóa. Đồng thời, các sở, ngành và địa phương được yêu cầu giảm 30% – 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính và xem xét giảm phí, lệ phí cùng các nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp theo quy định.
Bình Dương hiện là một trong những trung tâm công nghiệp – xuất khẩu hàng đầu cả nước, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 59 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Riêng thị trường Mỹ đóng góp hơn 43% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh trong nhiều năm liên tiếp.
Trước nguy cơ áp thuế mới từ Mỹ, các hiệp hội ngành hàng tại Bình Dương đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó. Ông Nguyễn Quang Vũ – Chủ tịch Hiệp hội Giày da tỉnh – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường, khai thác thêm các thị trường tiềm năng như Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời đầu tư mạnh vào trung tâm nghiên cứu – phát triển sản phẩm để nâng cao năng lực thiết kế, sáng tạo và nắm bắt thị hiếu khách hàng.
Trong khi đó, ngành cơ điện dù chưa bị ảnh hưởng mạnh, vẫn chủ động đề xuất các giải pháp lâu dài như nâng cao chất lượng lao động tay nghề cao và phát triển thị trường nội địa để tăng khả năng chống chịu.
Lãnh đạo các sở ngành cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chi cục Hải quan khu vực XVI đã chủ động thiết lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, cập nhật thường xuyên tình hình đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời kiến nghị chính sách gia hạn thời gian lưu kho ngoại quan và giảm chuyển luồng soi chiếu nhằm giảm áp lực chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Ông Hà Văn Út – Giám đốc Sở Công Thương – đánh giá đây là “90 ngày vàng” để doanh nghiệp tận dụng cơ hội tăng tốc xuất khẩu, tái cơ cấu chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường và hướng đến tăng trưởng bền vững. Tỉnh đã triển khai kế hoạch kiểm soát xuất xứ, chống gian lận thương mại để bảo vệ thương hiệu và lợi ích doanh nghiệp nội địa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục minh bạch hóa môi trường kinh doanh, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp đội lốt xuất khẩu, đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ trực tiếp phù hợp. Ông kêu gọi các doanh nghiệp ổn định lực lượng lao động, chủ động phản ánh khó khăn và hợp tác chặt chẽ với chính quyền để cùng vượt qua giai đoạn thử thách.