Biến thể Delta liệu có phải dấu chấm hết cho chiến lược “Zero Covid” của Châu Á - Thái Bình Dương?

15:43 25/08/2021

Biến thể Delta làm dấy lên những nghi ngờ về tính bền vững của các chiến lược “Zero-Covid” ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khi các đợt bùng phát mới ngày càng gia tăng, đẩy xa giới hạn của các biện pháp từng có hiệu quả vào những đợt dịch trước như đóng cửa biên giới, dừng hoạt động kinh doanh.

Các hành khách trong trang phục bảo hộ lên chuyến bay  quốc tế ở sân bay Hồng Kông
Các hành khách trong trang phục bảo hộ lên chuyến bay quốc tế ở sân bay Hồng Kông. (Ảnh: reuters)

Những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo chính trị và các chuyên gia y tế công cộng ở các nền kinh tế vốn theo đuổi chiến lược “Zero Covid” như Úc và New Zealand đã bắt đầu các buổi thảo luận sang hướng học cách sống chung với virus trong khi Hồng Kông vẫn giữ lập trường, tiếp tục duy trì nỗ lực tiêu diệt mầm bệnh.

Biến thể Delta có thể coi là vỡ mộng, kẻ phá hoại những chính sách đối phó kể cả ở những nước đã đóng cửa và hạn chế nghiêm ngặt nhất như Việt Nam, mà vẫn chưa thể khống chế sự lây lan của virus được cho là có khả năng lây truyền gấp khoảng hai lần so với chủng ban đầu được xác định lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc .

Peter Collignon, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, cho biết “cuộc chơi đã thay đổi” sau sự xuất hiện của Delta: “Mặc dù đóng cửa rất sớm nhưng nhiều nước vẫn chứng kiến dịch bệnh lan rộng. Vì vậy, thực tế, tôi cho rằng viễn cảnh không có Covid là không thể xảy ra”.

Frederik Gollob, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Hồng Kông, cho biết rõ ràng xã hội sẽ phải học cách sống chung với Covid-19: “Bằng cách nhấn mạnh vào chiến lược Zero Covid, chúng tôi thấy mình vẫn chưa tìm được đích đến và tình trạng này diễn ra vô thời hạn. Đây cũng là mối quan tâm lớn đối với các doanh nghiệp Châu Âu ở Hồng Kông”.

Hôm thứ hai, Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo rằng mặc dù cuộc sống và sinh kế đã được cải thiện nhưng sức chịu đựng của đất nước có hạn và không thể kéo dài. Ông chia sẻ: “Một khi đất nước đủ điều kiện vắc xin cho khoảng 80%, chúng ta cần lên kế hoạch tiến về phía trước” và đề cập đến mục tiêu tương ứng của chính phủ liên bang về việc dỡ bỏ hầu hết các lệnh cấm và nới lỏng kiểm soát biên giới. Thủ hiến bang New South Wales, Gladys Berejiklian, người ủng hộ những hạn chế vừa phải hơn chỉ ra mọi tiểu bang sẽ cần phải học cách sống chung với vius sau khi 80% người trưởng thành nước này đã được tiêm chủng. Một số lãnh đạo tiểu bang, bao gồm Thủ hiến Tây Úc Mark McGowan, chỉ ra rằng các biện pháp đóng cửa vẫn có thể áp dụng trong các trường hợp bùng dịch mới trong tương lai ngay cả sau khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 80%.

Australia, nơi có hơn một nửa dân số 25 triệu dân của đất nước này đang trong nỗ lực kiềm chế các đợt bùng phát hiện nay, hôm thứ Hai đã báo cáo 906 trường hợp, nhiều nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. New South Wales báo cáo 818 trường hợp, giảm nhẹ so với mức kỷ lục 830 trường hợp một ngày trước đó. Bang lân cận Victoria đã báo cáo 71 trường hợp mới, số ca mắc nhiều nhất trong gần một năm.

Catherine Bennett, chuyên gia sức khỏe cộng đồng và nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne, cho hay sự xuất hiện của một đợt bùng phát lớn ở Sydney vào tháng 6 đã đánh dấu sự khởi đầu cho kết thúc thử nghiệm Zero Covid của Úc. Bennet phân tích: “Các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác hiện cũng đang phát hiện ra biến thể này là không thể ngăn chặn và không có biện pháp đủ để ngăn chặn sự lây lan, ngay cả khi đóng cửa đất nước. Tình hình hiện nay đang thay đổi hướng suy nghĩ của người Úc về các mục tiêu kiểm soát dịch và theo dõi kế hoạch của chính phủ”.

Tại New Zealand, Bộ trưởng Chris Hipkins hôm chủ nhật phát biểu trên một chương trình thời sự rằng biến thể Delta đã đặt ra "những câu hỏi lớn" về các kế hoạch tương lai của đất nước, trong đó bao gồm một chiến lược xóa bỏ lâu dài ngay cả khi biên giới dần được mở cửa cho các nước có nguy cơ thấp. Hipkins cho biết hệ thống phòng thủ đại dịch của đất nước đã bắt đầu có vẻ “kém đầy đủ và kém mạnh mẽ hơn, do đó chúng tôi đang xem xét rất kỹ càng những gì có thể làm”. “Tại một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ phải bắt đầu cởi mở hơn trong tương lai” ông nói.

Singapore, quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn ba phần tư dân số, trong những tuần gần đây đã chuyển sang sống chung với virus, thông báo du lịch miễn kiểm dịch với Hồng Kông, Ma Cao, Đức và Brunei với nhiều điểm đến dự kiến ​​sẽ được thêm vào những tuần tới. Quốc đảo này hôm thứ hai báo cáo 94 trường hợp mới.

Tại Việt Nam, các nhà chức trách hôm thứ hai đã báo cáo hơn 10.260 trường hợp mắc mới và 389 trường hợp tử vong. Một phần ba đất nước đang bị hạn chế di chuyển, bao gồm thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu giãn cách xã hội kéo dài thêm hai tuần kể từ ngày 23 tháng 8 với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, theo đó người dân không được rời khỏi nhà vì bất cứ lí do gì.

Với chưa đến 2% trong tổng số 96 triệu người được tiêm chủng đầy đủ của đất nước và nguồn cung cấp vắc xin vẫn còn thiếu hụt, tuần trước, sáu tổ chức y tế công cộng có trụ sở tại Hà Nội đã viết một bức thư ngỏ dài 15 trang gửi chính phủ với các khuyến nghị bao gồm việc sửa đổi các biện pháp nhằm bảo vệ phúc lợi của các nhóm dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao, chẳng hạn như người lớn tuổi và người nghèo bị ảnh hưởng bởi các hạn chế.

Ở các quốc gia được tiêm chủng cao như Israel đã bắt đầu tiêm nhắc lại cho những người trên 40 tuổi, số ca bệnh đã tăng lên hoặc ở mức cao do biến thể Delta, mặc dù số ca tử vong và nhập viện đã giảm xuống mức thấp nhất so với đỉnh dịch. Alexandra Martiniuk, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Sydney, cho hay: “Bởi vì các loại vắc xin hiện tại chống lại Covid-19 không tạo ra khả năng miễn dịch hoàn toàn nên một người tiêm đủ hai liều vắc xin vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 và có các triệu chứng nhẹ và khả năng truyền virus cho người khác”.

Một số nhà chức trách và các chuyên gia y tế công cộng tiếp tục coi chiến lược Zero Covid là mục tiêu có thể đạt được. Trung Quốc đại lục đã tuyên bố sẽ gắn bó với cách tiếp cận không khoan nhượng đối với căn bệnh này, đẩy lùi mạnh mẽ những lời kêu gọi sống chung với virus từ cả trong và ngoài nước. Bắc Kinh hôm thứ hai báo cáo không có trường hợp mắc mới sau đợt bùng phát dữ dội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tại Hồng Kông, các nhà chức trách không đưa ra dấu hiệu nào về thời điểm thành phố có thể mở cửa trở lại, mặc dù dự kiến ​​70% người lớn có thể được tiêm phòng vào tháng tới. Bộ trưởng Thương mại Hồng Kông Edward Yau hôm thứ Hai cho biết chính phủ đang theo đuổi một “chiến lược an toàn” và việc mở lại biên giới với đại lục vẫn là ưu tiên số một. Ông trả lời Bloomberg: “Chúng ta phải giữ vững tình trạng đại dịch trước khi nói về một nền kinh tế hoặc mở cửa hoàn toàn biên giới”.

Michael Baker, một giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago ở Wellington, cho biết ông tin rằng vẫn có thể đưa các đợt bùng phát Delta trở về con số 0. Theo ông: “Các đợt bùng phát gần đây ở Trung Quốc, Đài Loan và Singapore dường như đã được kiểm soát với số ca bệnh giảm dần cho thấy việc loại trừ có tính khả thi. Ở Úc, một số bang dường như đã loại bỏ thành công các đợt bùng phát biến thể Delta, đặc biệt là Nam Úc vào tháng 6 và Queensland vào tháng 7 đến tháng 8”.

Nicholas Thomas, một chuyên gia về an ninh y tế tại Đại học Hồng Kông, cho hay ông dự kiến ​​thành phố sẽ cần tiêm chủng "gần như toàn bộ" để mở cửa trở lại, bao gồm làm tốt công tác ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Ông nói: “Con đường duy nhất đối với Hồng Kông là tăng tỷ lệ vắc xin và tiêm chủng, sau đó sẽ có liều tăng cường, đặc biệt là BioNTech hoặc có thể là Moderna sẵn sàng triển khai trước cuối năm nay. Phần còn lại của thế giới vẫn đang tiếp tục chiến đấu với đại dịch. Chúng ta cần bảo vệ cộng đồng của mình để Hồng Kông có thể mở cửa với thế giới sau đại dịch và không bị bỏ lại phía sau”. Nick Wilson, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago, nhận định ông tin rằng New Zealand sẽ kiểm soát được dịch bệnh nhưng thừa nhận biến thể Delta đã làm thay đổi cách tính toán con đường của nhiều quốc gia.

TL