Bạn nghĩ ai là người sáng lập thương hiệu nội y mang tính biểu tượng Victoria’s Secret? Nếu bạn nghĩ đó là phụ nữ, bạn đã lầm. Victoria Secret là nhà bán lẻ nội y lớn nhất tại Mỹ, nổi bật với những thiết kế tinh tế và tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ, nhưng phía sau lại chất chứa một bi kịch.
Thương hiệu nội y nữ lại thiết kế cho... đàn ông?
Victoria Secret được thành lập vào năm 1977 bởi Roy Raymond người Mỹ. Nam doanh nhân này cảm thấy rất xấu hổ mỗi khi phải đến cửa hàng mua đồ lót cho vợ của ông ấy. Ánh đèn sáng rọi khắp cửa hàng và những cặp mắt dòm ngó của nhân viên khiến Raymond cảm thấy mình giống một tên biến thái. Cũng chính từ đây, nhà quản trị kinh doanh có bằng MBC tại đại học Standford là Raymon đã nhận ra ông không phải người duy nhất cảm thấy như vậy. Do đó, ông tìm ra một cơ hội kinh doanh mới: tạo ra cửa hàng nội y phụ nữ nhưng khiến cánh đàn ông được thoải mái.
Có lẽ đối với thị trường ngày nay, khái niệm này có xu hướng thể hiện nữ quyền nhưng trong những năm 70, đây quả thực là một cuộc cách mạng. Lúc bấy giờ, trang phục nội y nữ thường được thiết kế phù hợp với hoạt động thường ngày và độ bền cao, những họa tiết lãng man, thanh lịch chỉ dành cho các dịp trăng mật hay kỷ niệm ngày cưới. Ý tưởng của Raymond ra đời cùng lúc với phong trào nữ quyền.
Doanh nhân trẻ bắt tay vào tìm kiếm nguồn tài chính để bắt đầu sự nghiệp. Ông nhận được 40 nghìn đô la với một khoản nợ ngân hàng và một khoản 40 nghìn đô hỗ trợ khác từ người vợ. Với số vốn trong tay, Raymond đã mở cửa hàng đầu tiên tại trung tâm mua sắm ở Palo Alto, California mà ông đặt tên là Victoria’s Secret được truyền cảm hứng bởi kỷ nguyên Victoria ở Anh. Ý tưởng ban đầu xuất phát từ bàn trang điểm của các quý bà tầng lớp thượng lưu với vân gỗ và rèm lụa. Năm đầu tiên, Victoria’s Secret bán được 500 nghìn đô la. Năm năm sau, Raymond đã mở thêm ba cửa hàng nữa và cho ra đời phiên bản đầu tiên mang tính biểu tượng như ngày hôm nay.
Nguồn cơn của vấn đề
Năm 1982, tuy rằng công ty báo cáo doanh thu thường niên đạt 4 triệu đô la nhưng thực tế Victoria’s Secret đang trên bờ vực phá sản. Theo các tác giả Michael J.Silverstein và Neil Fisker của cuốn sách Trading Up, các vấn đề về quản lý đã buộc Raymond phải tìm đối tác mới. Người này là Leslie Wexner, một doanh nhân được mệnh danh là một trong những cha đẻ của trang phục thể thao. Năm 20 tuổi, Wexner nắm bắt tâm lý phái nữ muốn mua nhiều thêm những trang phục thường nhật nên năm 1963, ông đã mở cửa hàng tên gọi The Limited. Vào thời điểm gặp Raymond, Wexner đã có trong tay 188 cửa hàng và số tài sản trị giá 50 triệu đô la.
Wexner nhìn thấy cơ hội ở Victoria’s Secret để mở rộng thương hiệu mới. Tuy nhiên, như những gì chia sẻ với tạp chí Newsweek năm 2010, doanh nhân này nhận ra có gì đó không ổn bởi một thương hiệu nội y lại không hề hấp dẫn phụ nữ. Wexner tin tưởng vào tiềm năng của Victoria’s Secret và đã mua lại thương hiệu từ tay Raymond năm 1982 với giá một triệu đô la. Nhằm xoay trục kinh doanh của công ty và thu hút khách hàng là phụ nữ, Wexner đã nghiên cứu phong cách nội y châu Âu, cho rằng nội y cần phải được thiết kế sao cho phái nữ muốn mặc chúng mỗi ngày. Như Silverstein và Fiske đã viết, Wexner biết được đâu là điểm cốt lõi: phụ nữ mong muốn trở nên đẹp và quyến rũ ngay cả khi không đủ tiền mua những thương hiệu cao cấp.
Ông đã biến các cửa hàng trở nên thanh lịch hơn với màu vàng hoàng gia và trang hoàng bằng những chai lấp lánh, những ánh đèn mang tông màu ấm áp. Wexner cũng thay đổi catalog từ phong cách đáng yêu sang chuyên nghiệp, sang trọng nhưng vẫn mang tính ứng dụng, chẳng hạn như mẫu thiết kế “Miracle Bra” kinh điển. Thật vậy, Wexner đã tìm ra điểm cân bằng: phụ nữ tới của hàng mua đồ còn cánh mày râu đắm chìm vào những người mẫu trong catalog. Theo Trading Up, năm 1995, chỉ trong phạm vi nước Mỹ, Victoria’s Secret đã có 670 cửa hàng trị giá 1,9 tỷ đô la.
Cái kết buồn
Đáng buồn thay, cha đẻ của thương hiệu là Roy Raymond chỉ giữ chức vụ chủ tịch công ty một năm sau khi bán lại cho Wexner, sau đó ông này nghỉ hưu để thành lập My Child’s Destiny, một nhãn hàng bán lẻ cao cấp cho công ty chuyên đồ trẻ em. Tuy nhiên, theo bài báo từ tờ New York Times, do kế hoạch thiếu tính chiến lược đã khiến Raymond phá sản năm 1986. Cuộc đời Raymond đặt dấu chấm hết khi ông và vợ ly dị. Năm 1993, người đàn ông đã tự tử từ cầu Golden Gate.
Raymond đã phát hiện thị trường và nhu cầu tạo dựng thương hiệu còn Wexner có công xây dựng tầm nhìn và phát triển. Ngày nay, Victoria’s Secret được đánh giá thương hiệu đồ lót nổi tiếng nhất thế giới với doanh thu năm 2019 hơn 6,81 tỷ đô la Mỹ.
TL