Thông tin này được ông Nguyễn Thế Duy – Phó Tổng giám đốc Becamex IDC – chia sẻ tại tọa đàm về phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới sau sáp nhập các địa phương. Theo ông Duy, hệ sinh thái công nghiệp ở khu vực phía Bắc TP. Hồ Chí Minh (trước đây là tỉnh Bình Dương) đã hình thành từ những năm 1990, với hơn 4.500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, tạo nên một chuỗi cung ứng phong phú, đa ngành.
Becamex đang tập trung vừa giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, vừa thu hút thêm các lĩnh vực mới, đặc biệt là nhóm ngành công nghệ cao và thâm hụt công nghệ – thay vì các ngành thâm dụng lao động. Để làm được điều này, công ty định hướng phát triển hạ tầng công nghiệp hiện đại theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, cộng sinh công nghiệp, tích hợp đổi mới sáng tạo và tự động hóa.
Ngoài hạ tầng nội bộ, Becamex cũng đầu tư mạnh vào kết nối vùng. Sau khi tham gia phát triển các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13 và Mỹ Phước – Tân Vạn, đơn vị này đang đẩy nhanh triển khai các dự án giao thông quan trọng như đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Vành đai 4, cũng như mở rộng Quốc lộ 13.
![]() |
Becamex IDC lập đề án đường sắt nối Bình Dương (cũ) với Cái Mép và sân bay Long Thành |
“Chúng tôi đang xây dựng một đề án rất quan trọng: hệ thống đường sắt logistics kết nối khu công nghiệp phía Bắc Bình Dương với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép. Đây là tuyến giao thông ‘xương sống’ giúp nâng cao năng lực vận tải và thể hiện vai trò tiên phong của Becamex trong kỷ nguyên phát triển mới,” ông Duy khẳng định.
Đồng quan điểm, TS. Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh – cho rằng hạ tầng kết nối là điểm nghẽn cần được tháo gỡ cấp bách. Ông đánh giá việc định vị các khu vực như Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao là hướng đi đúng, nhưng khâu logistics hiện vẫn còn hạn chế, đặc biệt là kết nối với cảng biển Cái Mép.
Theo TS. Vũ, trong quy hoạch sắp tới, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp nghiên cứu tuyến đường sắt từ Bình Dương ra Cái Mép. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất đẩy nhanh các tuyến đường sắt khác như Thủ Thiêm – Long Thành và các tuyến kết nối sân bay với hệ thống cảng biển trọng điểm phía Nam.
Trước đó, tại cuộc họp kinh tế - xã hội đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Becamex – khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào các dự án giao thông lớn, trong đó có đường sắt đô thị.
Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được hoan nghênh đề xuất của Becamex và cho biết thành phố sẽ tận dụng thế mạnh của các doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển hạ tầng. Ông khẳng định, các sở, ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Becamex tham gia vào các dự án lớn, trong đó có các tuyến đường sắt đô thị còn lại của TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh hiện đặt mục tiêu phát triển 7 tuyến metro, trong đó đã có 4 – 5 doanh nghiệp bày tỏ mong muốn nghiên cứu đầu tư. Với việc Becamex tham gia, kỳ vọng sẽ hình thành những "thế lực mới" trong phát triển đô thị và công nghiệp, tận dụng hiệu quả nội lực từ doanh nghiệp Nhà nước.