Bất động sản Hòa Bình: Nóng cục bộ hay bị thổi phồng?

21:41 13/04/2021

Các chuyên gia cảnh báo những cơn sốt đất không chỉ tác động đến kinh tế - xã hội, việc làm của người dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư đặc biệt là đối với đất rừng phòng hộ hồ Hòa Bình, đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp.

Từ đầu năm tới nay, đất nền lẫn BĐS nghỉ dưỡng tại Hòa Bình, chủ yếu là những loại đất rừng, đất nông nghiệp, đất vườn, tập trung ở một số địa bàn trọng điểm như: TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Kim Bôi… đều tăng giá. Tuy nhiên, theo giới bất động sản, giao dịch hiện không quá nhiều, giá chuyển nhượng được môi giới "thổi” khá mạnh so với thực tế.

Theo đánh giá, thị trường BĐS TP Hòa Bình có sức tăng tương đối khá tại một số dự án có vị trí đẹp. Điển hình như tại bờ trái sông Đà, giá bán đất nền tại dự án cảng Chân dê có mức tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái, hiện mức giá chuyển nhượng từ 21 - 24 triệu đồng/m2 các lô đất phía trong, còn với lô mặt tiền đường lớn được nhận định lên đến trên 30 - 40 triệu đồng/m2, nhưng rất khó mua vì lượng cung gần như không có.

Lý do được cho khu vực này khá gần UBND thành phố mới được đưa vào sử dụng nên tác động đáng kể đến tâm lý người mua. Thêm nữa, dự án cầu Hòa Bình 2 đang thi công cách đó không xa cũng góp phần đẩy giá đất khu này tăng mạnh. Mặc dù vậy, giá đất được rao bán ở khu này hầu hết do đội môi giới đưa ra, cao hơn khá nhiều so với một số dự án đất nền gần đó như dự án khu dân cư tổ 7, phường Thịnh Lang, hay tại khu trung tâm thương mại bờ trái sông Đà hiện cũng chỉ 14 -15 triệu đồng cho mỗi m2 đất nền. 

Với việc có thêm tuyến đường mới thuận lợi giao thông, BĐS Hòa Bình đang hấp dẫn đầu tư
Với việc có thêm tuyến đường mới thuận lợi giao thông, BĐS Hòa Bình đang hấp dẫn đầu tư.

Thị trường BĐS bờ phải sông Đà cũng có những dấu hiệu tăng nhưng chỉ cục bộ tại một số trục đường rộng. Tại dự án Sudico, giá đất mặt tiền khu vực đường rộng được rao bán với mức giá 35 - 40 triệu đồng/m2, các lô đất phía trong chỉ ở mức 17 - 18 triệu đồng/m2 còn rao bán khá nhiều trên các trang mạng.

Đối với những khu vực khác thuộc địa bàn trung tâm và vùng ven TP Hòa Bình nhìn chung vẫn đứng giá so với cuối năm 2020 và không nhiều giao dịch.

Bên cạnh đó, tình trạng một số chủ vườn lan kiếm được khá nhiều tiền thời gian qua liên tục đổ tiền vào đất nền vị trí đẹp, cũng khiến đất nền tăng giá một cách cục bộ. Mặt khác, nhiều môi giới thi nhau hét giá hòng kiếm chênh lệch lớn cũng làm cho giá đất nền một số vị trí tăng ảo, trong khi giao dịch thực không nhiều.

Nếu tại khu vực trung tâm TP Hòa Bình - tâm điểm của sốt cục bộ BĐS, nhà đầu tư tìm mua đất thổ cư vị trí đẹp, gần các dự án, công trình lớn nhằm tìm kiếm lợi nhuận gia tăng theo tốc độ đô thị hóa thì tại huyện Lương Sơn và vùng ven TP Hòa Bình (thuộc huyện Kỳ Sơn cũ), khu vực hồ Hòa Bình, huyện Kim Bôi, Lạc Sơn… làn sóng đầu tư chủ yếu người dân Hà Nội lên tìm hiểu khiến thị trường BĐS khá nóng. 

Các chuyên gia cũng cảnh báo những cơn sốt đất không chỉ tác động đến KT-XH, việc làm của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư… Đặc biệt là đối với đất rừng phòng hộ hồ Hòa Bình, đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp… khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH sẽ gây hệ lụy đáng kể đến những người dân trót mua giá cao mong muốn làm giàu nhanh.

PV