Traveloka gọi vốn thành công 250 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư để gia tăng sức mạnh ở các mảng kinh doanh chính.
Theo một nguồn thạo tin của Reuters, nhà đầu tư chính trong vòng huy động vốn này là Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA). Tuy nhiên, người phát ngôn của Traveloka cũng như đại diện QIA chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Vòng huy động vốn trước đó của Traveloka đã thu hút hãng du lịch Expedia của Mỹ, nhà bán lẻ trực tuyến JD.com của Trung Quốc và quỹ GIC Pte Ltd của Singapore.
Hoạt động của Traveloka trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, khi nhiều nước Đông Nam Á đóng cửa biên giới và áp đặt các lệnh phong tỏa, qua đó giáng đòn mạnh vào ngành du lịch đang bùng nổ trong khu vực.
Dịch bệnh đã tạo ra một cú sốc lớn chưa từng có trong lịch sử với Traveloka. Các đối tác của công ty, từ vận tải, lưu trú tới hàng quán đều bị ảnh hưởng và đương nhiên chính startup du lịch cũng không phải là ngoại lệ.
Để đối phó với tình hình, Traveloka buộc phải tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và sa thải nhiều nhân viên cũng nằm trong kế hoạch đó.
Giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập Traveloka, ông Ferry Unardi cho biết hoạt động của công ty tại Việt Nam đã quay trở lại mức trước đại dịch, trong khi thị trường Thái Lan đã hồi phục được hơn 50%. Indonesia và Malaysia cũng đang chứng kiến sự cải thiện mạnh mẽ hàng tuần.
Hồi tháng 6/2020, chính quyền Thái Lan đã công bố khoản trợ cấp 722 triệu USD để thúc đẩy du lịch nội địa, trong khi Singapore tung các chiến dịch quảng bá du lịch địa phương rộng rãi.
Tại Indonesia, khu nghỉ mát Bali hiện đang có kế hoạch mở cửa trở lại cho khách du lịch địa phương trong tuần này và cho khách du lịch quốc tế vào ngày 11/9 tới.
Theo ông Unardi, Traveloka sẽ sử dụng nguồn quỹ vừa huy động được để củng cố bảng cân đối kế toán và tăng cường các dịch vụ du lịch nội địa cũng như các dịch vụ tài chính.
Hà Thanh (KTĐT)
PV