(Bài 4) Thanh Hóa: Ai "chống lưng" cho cơ sở kinh doanh Lý Hòa xem thường pháp luật?

09:15 26/07/2022

Dù đã được UBND thị xã Nghi Sơn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xác định xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ của đê biển Hải Châu và yêu cầu tháo dỡ đối với phần vi phạm, nhưng cho đến nay dù đã quá hạn gần 2 tháng, phần vi phạm vẫn không có dấu hiệu được tháo dỡ.

Công trình xưởng chế biến hải sản của cơ sở kinh doanh Lý Hòa được xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ mọc lên từ nhiều năm trước của đê biển Hải Châu (Phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), đe dọa đến an toàn đê và hành lang thoát lũ của tuyến đê biển. Nhưng đến nay vẫn tồn tại thách thức dư luận và xem thường pháp luật. 

Công trình vi phạm hành lang đê biển không chấp hành tháo dỡ
Công trình vi phạm hành lang đê biển không chấp hành tháo dỡ. (Ảnh: Phương Nam) 

Sau khi tạp chí Doanh Nghiệp & Hội Nhập có loạt bài phản ánh về vấn đề này, UBND thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo các phòng ban chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc kiểm tra các dấu hiệu sai phạm tại cơ sở chế biến hải sản Lý Hòa.

Sau khi kiểm tra, đoàn thanh tra đã có kết luận và phương án xử lý cụ thể như sau: Yêu cầu cơ sở kinh doanh của gia đình bà Lý Hòa dừng mọi hoạt động sản xuất, tháo dỡ toàn bộ phần vi phạm vào chân đê, thời gian trước ngày 05/6/2022. Báo cáo giải trình quá trình sản xuất, xây dựng thời gian được UBND phường Hải Châu cho thuê đất.

Đề nghị UBND phường Hải Châu đôn đốc, giám sát việc tháo dỡ và dừng hoạt động của cơ sở sản xuất. Báo cáo quá trình cho thuê, sử dụng đất của hộ gia đình và việc chấp hành tháo dỡ về UBND thị xã Nghi Sơn trước ngày 10/06/2022.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, dù thời hạn cuối cùng yêu cầu tháo dỡ đã đã quá gần 2 tháng, thế nhưng công trình trái phép của cơ sở Lý Hòa vẫn nằm nguyên vẹn trên hành lang thoát lũ của đê biển Hải Châu.

Trao đổi với ông Bùi Thanh Liêm, Chủ tịch UBND phường Hải Châu về việc cơ sở kinh doanh Lý Hoà không tháo dỡ phần vi phạm theo kết luận thanh, kiểm tra liên ngành của UBND thị xã Nghi Sơn thì ông Liêm cho rằng: “Chỗ ấy chưa tháo dỡ được vì… họ ốm”. Nhưng trên thực tế theo ghi nhận của phóng viên cơ sở kinh daonh Lý Hoà vẫn hoạt động bình thường và có dấu hiệu chây ì, xem thường những quy định của pháp luật.

Trong khi đã vào mùa mưa lũ, đáng ra những công trình trái phép cản trở dòng thoát lũ đều phải được giải phóng thì không hiểu “dựa” vào đâu công trình trái phép của cơ sở Lý Hòa vẫn ngang nhiên tồn tại trên hành lang thoát lũ của đê. Với sự trả lời thiếu trách nhiệm của ông Chủ tịch UBND phường Hải Châu thì liệu người dân ở đây có tôn trọng việc thực thi pháp luật và tin tưởng vào chính quyền địa phương? 

Sau hơn hai tháng kiểm tra và kết luận sai phạm. Cơ sở kinh  doanh Lý Hoà vẫn giữ nguyên thách thức dư luận và xem thường pháp luật.
Sau hơn hai tháng kiểm tra và kết luận sai phạm. Cơ sở kinh doanh Lý Hoà vẫn giữ nguyên, thách thức dư luận và xem thường pháp luật.. (Ảnh: Phương Nam) 

Đê điều là công trình đặc biệt quan trọng trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro bởi thiên tai. Công trình đê chắn sóng Hải Châu là công trình đê trọng yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn, vì vậy, việc bảo vệ, giữ an đê là điều cần được coi là nhiệm vụ quan trọng và nghiêm túc, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần, vì thế, với trường hợp vi phạm của hộ kinh doanh Ly Hòa cần được xử lý nghiêm túc đúng mức độ sai phạm.

Đề nghị UBND thị xã Nghi Sơn, Cục Đê điều Thanh Hoá và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý dứt điểm những sai phạm trên, để mùa mưa lũ đã đến không đe doạ đến tính mạng và an toàn của người dân khu vực ven đê, cũng như thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin tin về vấn đề này!

Ngọc Lâm