![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ. |
Năm 2024, tỉnh Bạc Liêu đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi lần đầu tiên lọt vào Top 4 địa phương có Chỉ số Thành phần FTA Index cao nhất toàn quốc. Đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) để thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư.
FTA Index là gì?
FTA Index là bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các FTA tại các địa phương, được Bộ Công Thương triển khai nhằm đo lường hiệu quả và mức độ tận dụng các hiệp định này. Chỉ số này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các tỉnh, thành phố khai thác tối đa lợi ích từ các FTA, đồng thời tạo động lực cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh.
FTA Index 2024 được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA mà Việt Nam đã ký kết, từ đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
Nội dung khảo sát của FTA Index tập trung vào: Mức độ tiếp cận thông tin về FTA của doanh nghiệp; tình hình tuân thủ các quy định pháp luật nội luật hóa từ cam kết FTA; hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA; việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững tại địa phương, đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Chỉ số tổng hợp FTA Index được chấm theo thang điểm 40, gồm 04 chỉ số thành phần (mỗi chỉ số tối đa 10 điểm).
Theo kết quả công bố, tỉnh Bạc Liêu nằm trong Top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về điểm số FTA Index năm 2024, với tổng điểm đạt 32,43. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu là 01 trong 04 địa phương có chỉ số thành phần FTA Index cao nhất.
Danh sách 10 địa phương dẫn đầu FTA Index 2024 gồm: Cà Mau (34,9), Thanh Hóa (34,13), Bình Dương (34,03), Khánh Hòa (32,96), Trà Vinh (32,74), Long An (32,5), Hà Giang (32,46), Bạc Liêu (32,43), Ninh Bình (31,74 điểm), Điện Biên (31,72 điểm).
Những năm qua, các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và cải thiện cán cân thương mại theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư liên tục trong nhiều năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi các FTA thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là: Việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động...
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và công bố Bộ Chỉ số FTA Index hàng năm, nhằm tạo lập, cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch, khách quan, toàn diện về mức độ thực thi các cam kết FTA tại từng địa phương; làm căn cứ quan trọng, giúp Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương hoạch định cơ chế, chính sách điều hành sản xuất, xuất nhập khẩu bảo đảm sát thực, khả thi nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Trong năm 2024, Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế đáng chú ý, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 17,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm đông lạnh đạt 973,6 triệu USD, tăng 17,26%; Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản: Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc đã hoàn thành và xuất khẩu 46 tấn tôm sang thị trường Hàn Quốc, mở ra cơ hội mới cho ngành thủy sản của tỉnh; Định hướng phát triển bền vững: Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD, với trọng tâm là ngành công nghiệp tôm.
![]() |
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm đông lạnh của Bạc Liêu đạt 973,6 triệu USD, tăng 17,26% |
Để đạt được những kết quả ấn tượng này, Bạc Liêu đã triển khai nhiều chiến lược và giải pháp hiệu quả. Tỉnh đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; Xây dựng thương hiệu- Bạc Liêu chú trọng xây dựng thương hiệu "tôm sạch Bạc Liêu", tạo niềm tin cho thị trường quốc tế và nâng cao giá trị sản phẩm; Mở rộng thị trường, tỉnh tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối với các đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Việc Bạc Liêu lọt vào Top 4 địa phương có Chỉ số Thành phần FTA Index cao nhất năm 2024 không chỉ khẳng định vị thế của tỉnh trong việc thực thi hiệu quả các FTA, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Với chiến lược đúng đắn và sự nỗ lực không ngừng, Bạc Liêu đang từng bước khẳng định mình trên bản đồ kinh tế Việt Nam và quốc tế.