![]() |
![]() |
![]() |
Đờn ca tài tử xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, được xem là sự kết hợp hài hòa giữa nhã nhạc cung đình Huế và âm nhạc dân gian Nam Bộ. Những lưu dân từ miền Trung vào Nam khai hoang, lập nghiệp đã mang theo dòng nhạc cung đình, rồi từ đó kết hợp với giai điệu dân gian, sáng tạo nên một dòng nhạc mới đầy chất trữ tình nhưng không kém phần sâu lắng. Thuật ngữ “Đờn ca tài tử” có nhiều tên gọi khác nhau như âm nhạc tài tử, ca nhạc tài tử, nhạc tài tử… Thông qua đờn ca tài tử, các nghệ nhân còn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, sáng tác các bài bản tài tử cũng như giao kết thêm tình bạn bè tri kỷ.
Nền tảng của các bài bản của đờn ca tài tử là 20 bản tổ (6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 Bài), dân gian thường gọi là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 bài. Giới đờn ca tài tử còn chia bài bản tài tử ra thành 10 loại, đồng thời lưu truyền câu đối: “ Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản; Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”, nghĩa là người hiểu biết về đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau.
Những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Bên cạnh nghề nghiệp chính, họ phục vụ văn nghệ khi có yêu cầu.
Một số người nói rằng từ "tài tử" có nghĩa là nghiệp dư. Trong thực tế, từ này có nghĩa là tài năng và ngụ ý rằng những người này không dùng nghệ thuật để kiếm kế sinh nhai, mà chỉ để cho vui hoặc những lúc ngẫu hứng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ không phải là chuyên gia. Ngược lại, để trở thành một nghệ sĩ trong ý nghĩa xác thực nhất của từ này, họ phải thực hành trong một thời gian dài.
Đối với hình thức âm nhạc, vai trò của các ca sĩ và nhạc sĩ đều bình đẳng. Ca trù hát và người ca (bài hát truyền thống từ miền Bắc và miền Trung) là phụ nữ, trong khi đờn ca tài tử bao gồm các ca sĩ nam nữ và họ có vai trò bình đẳng
![]() |
Theo thói quen của người Bạc Liêu thì không chỉ các tiệc vui như liên hoan, cưới hỏi mà cả các lễ giỗ, lễ tang đều có nhu cầu đàn ca thâu đêm suốt sáng, do vậy lực lượng ca nhạc tài tử này càng được củng cố thêm lực lượng để đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu của xã hội.
Được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu, ở nông thôn Nam Bộ từ xưa đến nay, đám tiệc nào cũng có đờn ca tài tử. Ai biết đờn ca, dù chỉ bập bõm thôi cũng rủ nhau lập nhóm để đàn hát thoải mái. Ai biết gì chơi nấy, hát sai nhịp thì vào lại, cùng khuyến khích nhau tập tiếp cho đến khi hát thật hay, đàn thật giỏi. Thế là, từ rủ rê nhau thành nhóm đi đàn hát ở các đám tiệc, dần dần các đội, nhóm đờn ca tài tử được thành lập, rồi về sau là các Câu lạc bộ đờn ca tài tử.
Vùng đất và con người Bạc Liêu luôn nâng niu, coi trọng giá trị của Đờn ca tài tử như là “ Báu vật Phương Nam” vậy.
![]() |
Sự hòa quyện giữa truyền thống và sáng tạo : Đờn ca tài tử Bạc Liêu mang đậm âm hưởng dân gian, nhưng đồng thời cũng có sự sáng tạo, biến tấu theo từng thế hệ. Dàn nhạc tài tử thường có các nhạc cụ như đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu, ghi-ta phím lõm… giúp tạo nên những âm thanh mượt mà, truyền cảm.
Hồn cốt của người Nam Bộ : Người ta gọi Bạc Liêu là quê hương của đờn ca tài tử là vì nơi đây đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối. Từng cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ cho đờn ca tài tử, từng gây dựng thành phong trào sáng tác thật hùng hậu từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Theo các tài liệu ghi chép, đầu thế kỷ XX, ở Nam bộ đã hình thành nhiều nhóm ca nhạc hoạt động dưới hình thức tài tử và nhanh chóng phát triển khắp lục tỉnh Nam kỳ. Ở Bạc Liêu có nhạc sư Lê Tài Khí (1870 - 1948) thường được gọi là Nhạc Khị (con ông Lê Văn An, một bầu gánh hát bội nổi tiếng lúc bấy giờ). Nhạc Khị đứng ra thành lập Ban nhạc lễ chuyên phục vụ các đám cúng kiếng, tế lễ của đình làng hoặc ở các gia thất, đây cũng là Ban nhạc lễ đầu tiên trên đất Bạc Liêu. Nhạc Khị được xem là người có công lớn đối với Đờn ca tài tử trong việc canh tân, hiệu đính 20 bản tổ, được giới nghệ sĩ cổ nhạc tôn làm Hậu tổ.
Thập niên 30 của thế kỷ XX, hoạt động đờn ca tài tử ở Bạc Liêu phát triển cả về số lẫn chất lượng, có tiếng vang khắp Nam kỳ. Các nghệ nhân Đờn ca tài tử Bạc Liêu xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều người đã trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, đa số đều do Nhạc Khị đào tạo, điển hình như Sáu Lầu, Cai Đệ, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lý Khi, Tư Quận… Hoặc do Sư Nguyệt Chiếu (một nhạc sĩ tiền bối khác ở Bạc Liêu có công trong việc truyền bá nhạc lễ và nhạc tài tử) rèn luyện như nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, Sanh Xía, Chín Quy, Thiện Ý, Thiện Ngộ… Một trong những học trò giỏi của Nhạc Khị là Cao Văn Lầu. Tiếp nối sự nghiệp của thầy, Cao Văn Lầu cùng với các bạn đồng môn của mình đứng ra thành lập Ban Đờn ca tài tử Bạc Liêu. Ban đờn ca tài tử này một thời khuấy động phong trào Đờn ca tài tử không chỉ nội tỉnh Bạc Liêu mà tiếng tăm vang khắp Nam kỳ…
![]() |
Nội dung các bài ca thường xoay quanh tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm đôi lứa, nỗi niềm ly hương hay những câu chuyện nhân nghĩa trong cuộc sống. Giai điệu lúc trầm buồn, sâu lắng, lúc lại vui tươi, rộn ràng, phản ánh chân thực tâm hồn người dân miền Tây chân chất, phóng khoáng.
Những nghệ nhân gạo cội và các lễ hội truyền thống: Bạc Liêu là nơi sản sinh nhiều thế hệ nghệ nhân tài danh. Hàng năm, nơi đây thường xuyên tổ chức các lễ hội, liên hoan đờn ca tài tử để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Tiêu biểu là Lễ hội Đờn ca tài tử Nam Bộ, được tổ chức tại Bạc Liêu nhằm tôn vinh những nghệ sĩ, nhạc công có đóng góp quan trọng cho nghệ thuật truyền thống.
![]() |
Năm 2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ, trong đó có Bạc Liêu, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào lớn đối với người dân Nam Bộ và cũng là động lực để các địa phương tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo này.
Ý nghĩa giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử đã mang tầm Quốc gia có tính quốc tế, vượt qua thời gian và không gian trở thành di sản bất hủ của nhân loại. Tuy ra đời muộn so với một số thể loại âm nhạc cổ truyền khác song sức sống, sự lan tỏa và tầm ảnh hưởng của nghệ thuật đờn ca tài tử đối với công chúng hết sức mạnh mẽ, cả trong Nam, ngoài Bắc, cả trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử, như mở lớp truyền dạy, tổ chức các cuộc thi, hội diễn và đưa bộ môn này vào chương trình giảng dạy ở một số trường học. Nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử được thành lập, trở thành nơi giao lưu, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống.
Phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu ngay từ đầu thế kỷ XX đã chiếm được một vị trí lớn trong nền ca nhạc Nam bộ và cứ phát triển theo thời gian càng lúc càng rộng, nó là công cụ rất tốt để cổ vũ tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân, cũng vừa là cơ sở để hình thành các phong trào ca ra bộ và sân khấu cải lương sau này. Nghệ sĩ nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân) đã xác nhận: “Bạc Liêu là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử, vùng đất sản sinh rất nhiều tài tử, nhạc sĩ nổi tiếng. Người được xem là thầy của cổ nhạc là ông Hai Khị cũng là người Bạc Liêu, con ông là anh Ba Chột cũng đã trở thành nhạc sĩ tài danh…”.
![]() |
Với những giá trị văn hóa độc đáo và sức hấp dẫn đặc biệt, Đờn ca tài tử không chỉ cần được bảo tồn mà còn nên trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thu hút du khách đến với Bạc Liêu.
Bạc Liêu hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển Đờn ca tài tử thành sản phẩm du lịch đặc trưng: Bề dày văn hóa-là quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” – nền tảng của vọng cổ và cải lương, Bạc Liêu có sức ảnh hưởng lớn đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là lợi thế để quảng bá ra thế giới; Hệ thống di tích và không gian biểu diễn- Bạc Liêu sở hữu nhiều địa điểm văn hóa phù hợp để tổ chức các hoạt động du lịch gắn với Đờn ca tài tử như Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Nhà hát Nón Lá, Quảng trường Hùng Vương,… Mở rộng quy mô Festival Đờn ca tài tử thành sự kiện thường niên nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước; Sử dụng mạng xã hội và nền tảng video như YouTube, TikTok, Facebook để quảng bá các buổi biểu diễn, giới thiệu nghệ nhân và câu chuyện về nghệ thuật này; Phát triển các sản phẩm trải nghiệm thực tế ảo (VR), giúp du khách từ xa vẫn có thể khám phá và thưởng thức Đờn ca tài tử Bạc Liêu…
![]() |
Việc đưa Đờn ca tài tử Bạc Liêu trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa mà còn tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Với sự đầu tư bài bản và chiến lược hợp lý, đờn ca tài tử hoàn toàn có thể trở thành “đặc sản tinh thần” thu hút du khách đến với Bạc Liêu, góp phần gìn giữ và phát huy một nét đẹp văn hóa của miền Tây Nam Bộ.
Đờn ca tài tử Nam bộ từ khi ra đời đến nay đã hơn 100 năm. Một thế kỷ theo cha ông đi mở cõi, nhịp bước cùng những thăng trầm của lịch sử cũng là quá trình đờn ca tài tử được các thế hệ người Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng, không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc để tạo nên thành quả hôm nay, trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên bước đường phát triển, đờn ca tài tử lại được hòa mình, thẩm thấu để hoàn thiện và bước lên một giai đoạn phát triển cao hơn mà vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa nguồn cội.
Đờn ca tài tử Bạc Liêu không chỉ là di sản văn hóa quý báu mà còn là linh hồn của người dân miền Tây Nam Bộ. Trong dòng chảy của thời gian, loại hình nghệ thuật này vẫn giữ được sức sống mãnh liệt, tiếp tục phát triển và lan tỏa đến nhiều thế hệ. Việc bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử không chỉ là trách nhiệm của riêng Bạc Liêu mà còn là sứ mệnh chung của cả dân tộc Việt Nam, để gìn giữ một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc quê hương.
![]() |
![]() |