Cụ thể, mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây là mặt hàng gạo. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,6 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi trước năm 2019, con số này chỉ vài chục ngàn cho đến hơn 100.000 USD. Trong số các quốc gia xuất khẩu gạo vào Thuỵ Điển trong năm nay thì chỉ có Việt Nam, Hoa Kỳ và Na Uy là có mức tăng trưởng dương, còn lại các quốc gia khác đều có mức tăng trưởng âm trong 9 tháng 2021. Nguyên nhân đến từ tác động tích cực của Hiệp định EVFTA nên mặt hàng gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn.
Đối với nhóm hàng may mặc và phụ kiện quần áo, nhập khẩu của Thuỵ Điển từ Việt Nam trong 9 tháng 2021 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, Thuỵ Điển cũng tăng cường nhập khẩu từ Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc và Indonesia. Đặc biệt, có hai thị trường mới nổi trong năm nay với mức tăng trưởng đột biến là Malaysia với mức tăng trưởng là 173%, và Thái Lan với mức tăng trưởng là 244%.
Đối với mặt hàng giày dép, các đối thủ cạnh tranh truyền thống của ta tại thị trường Thuỵ Điển như Bangladesh, Campuchia, Indonesia đều sụt giảm kim ngạch từ 10% đến 19%. Ngay cả Trung Quốc, xuất khẩu giày dép hàng đầu vào Thuỵ Điển cũng giảm 2% trong 9 tháng năm nay. Trong khi Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương mặc dù không nhiều nhưng cũng là dấu hiệu tích cực.
Các chuyên gia dự đoán rằng nếu tình hình bệnh dịch được kiểm soát, năm 2022 được kỳ vọng là năm phục hồi kinh tế theo chu kỳ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao nhưng gián đoạn nguồn cung, cùng với giá năng lượng, vận chuyển, tình trạng thiếu hụt lao động, nếu vẫn tiếp diễn như hiện tại, sẽ tiếp tục đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao gây lạm phát, suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu. Thị trường Bắc Âu là thị trường nhỏ và xa. Trong bối cảnh đứt gãy cung cầu, giá vận chuyển tăng cao, các doanh nghiệp nhập khẩu với đơn hàng nhỏ sẽ chuyển hướng nhập khẩu từ các đầu mối lớn ở trung tâm châu Âu, thay vì nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam. Chúng ta nên tập trung vào các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu lớn, không xúc tiến tràn lan, đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh hàng Việt Nam nói chung để hàng Việt hiện diện ngày càng nhiều tại khu vực Bắc Âu.
Bảo Thu