Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nhấn mạnh: "Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là nhiệm vụ tài chính, mà còn là trách nhiệm phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn lực quan trọng để chúng ta xây dựng hạ tầng, tạo việc làm và kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp, du lịch."
Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh |
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhắc tới việc yêu cầu các chủ đầu tư cần tăng cường năng lực quản lý đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện trong công tác quản lý dự án, quản lý đầu tư; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đủ điều kiện thanh, quyết toán giải ngân nguồn vốn, tránh tồn đọng. Đồng thời, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh thi công các hạng mục; khẩn trương nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành tại các dự án chuyển tiếp. Các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của người đứng đầu trong giám sát, đôn đốc công tác giải ngân nguồn vốn; tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khẩn trương đề ra giải pháp, quyết tâm tăng tốc giải ngân nhằm góp phần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.
Những bước đi quyết liệt
Với quyết tâm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai hàng loạt biện pháp mang tính đột phá. Nổi bật là việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương để tháo gỡ các vướng mắc về quy trình pháp lý và giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công nâng cao trách nhiệm và năng lực quản lý dự án, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án và giải ngân vốn cũng được đẩy mạnh, giúp quá trình giám sát trở nên minh bạch và hiệu quả hơn.
Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới nay là 20.891.535 triệu đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương 1.747.000 triệu đồng, các dự án tỉnh quyết định đầu tư 13.220.780 triệu đồng, các dự án cấp huyện quyết định đầu tư là 5.923.755 triệu đồng.
Những dự án chiến lược
Trong giai đoạn này, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung vào một số dự án chiến lược có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đáng chú ý là dự án mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải, kết nối đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và phát triển các khu du lịch sinh thái ven biển.
Siêu Cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ sớm trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế như mục tiêu quy hoạch đã đề ra |
Các dự án hạ tầng giao thông và cảng biển này không chỉ giúp nâng cao khả năng kết nối kinh tế trong vùng và quốc gia, mà còn tạo động lực thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực logistics và du lịch.
Chỉ sau khoảng thời gian ngắn khởi công, Công ty TNHH Công nghệ điện tử - nghe nhìn BOE Việt Nam (Tập đoàn BOE, Trung Quốc) đã tổ chức lễ cất nóc dự án nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh giai đoạn 2 với số vốn đầu tư 275 triệu USD.
Ông He Hongbing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử - nghe nhìn BOE Việt Nam cho biết, là nhà cung cấp công nghệ, sản phẩm và dịch vụ Internet vạn vật hàng đầu thế giới, BOE chọn Việt Nam làm địa điểm triển khai chiến lược phát triển đầu tiên tại nước ngoài. Trong đó, nhà máy đầu tiên theo chiến lược “Màn hình kết nối vạn vật” được đặt tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Từ khi được cấp phép đầu tư đầu năm 2024, DN đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, chủ đầu tư hạ tầng và các đối tác, nhờ đó, nhà máy có thể đưa vào hoạt động trong năm 2025, nhanh hơn so với kế hoạch đề ra. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong hành trình xây dựng và mở rộng của BOE tại thị trường Việt Nam”, ông He Hongbing thông tin thêm.
Sản xuất thiết bị đầu cuối, điện tử thông minh và bán dẫn là một trong những lĩnh vực thu hút các dự án nổi bật trong năm 2024. Tại KCN Sonadezi (huyện Châu Đức), Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (Tập đoàn Tripob, Đài Loan) đang triển khai nhà máy trị giá 250 triệu USD trên diện tích 18ha.
Dự án nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE (Trung Quốc) đã thành hình và dự kiến đi vào hoạt động sớm hơn kế hoạch đề ra. |
Đây là tập đoàn nằm trong top 10 thế giới về sản xuất bo mạch điện tử với doanh thu hàng tỷ USD/năm. Dự án tại Châu Đức nằm trong kế hoạch mở rộng và phát triển ngành điện tử công nghệ cao trên toàn thế giới của DN đa quốc gia này. Đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất các loại mạch và bảng mạch điện tử với công suất 372 ngàn m2, tương đương 1.800 tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động tay nghề cao trên địa bàn. Vừa qua, Tập đoàn Tripob đã cho biết kế hoạch mở rộng dự án bo mạch tại KCN Sonadezi lên tới quy mô 100ha, qua đó, kéo theo nhiều DN khác trong chuỗi cung ứng đến Châu Đức nói riêng, Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung để đầu tư.
Dự án có vốn đầu tư lớn nhất vào Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2024 là nhà máy sợi sinh học BDO của Tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc với số vốn 730 triệu USD tại KCN Phú Mỹ 2. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất BDO từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại. Đường thô thay thế hoàn toàn nguyên liệu truyền thống như than đá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tháng 11/2024, đại diện Tập đoàn Hyosung cho biết, việc liên tiếp đầu tư các dự án hóa chất với số vốn hàng trăm triệu USD, sử dụng công nghệ hiện đại cho thấy nỗ lực của DN trong việc đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, với mục tiêu đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm công nghệ sinh học tiên tiến của Việt Nam và khu vực.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn không ngừng đối mặt với những thách thức trong việc bảo đảm tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo tỉnh đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường quản lý, giám sát và nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đến việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các dự án đầu tư công, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và văn hóa xã hội.
Phối cảnh đường nối vào cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (từ QL56 đến nút giao Vũng Vằn) |
Với những nỗ lực không ngừng trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2024-2025. Từ đó, góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế năng động của khu vực Đông Nam Bộ, nâng cao chất lượng sống cho người dân và đóng góp lớn hơn vào sự phát triển chung của cả nước.
Kết quả giải ngân vốn đến ngày 22/01/2025 (bao gồm cả ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện) là 18.815.349 triệu đồng, đạt 90,06% so với kế hoạch giao; trong đó có 14 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 95% gồm UBND TP. Bà Rịa, UBND huyện Châu Đức, UBND huyện Côn Đảo, Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông, Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Đầu tư và Khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ I, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất. Số vốn năm 2024 chưa giải ngân còn lại tới nay là 2.076.186 triệu đồng. Theo số liệu các chủ đầu tư báo cáo thì dự kiến đến hết ngày 31/01/2025 sẽ giải ngân là 19.009.240 triệu đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 90,99%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân năm 2023 là 95,16%. Số vốn sẽ giải ngân thêm đến hết ngày 31/01/2025 là 193.987 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân tăng thêm 0,93%. |