Apple xem xét sản xuất iPhone tại Indonesia sau lệnh cấm iPhone 16 |
Indonesia được đánh giá thắng lợi lớn khi Apple có thể đang thảo luận với nhà cung ứng để lần đầu sản xuất iPhone tại quốc gia Đông Nam Á.
Tháng 10/2024, Indonesia cấm bán iPhone 16 do Apple không đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa ở nước này. Hãng sau đó đề xuất đầu tư 10 triệu, 100 triệu và thậm chí một tỷ USD để cùng đối tác xây nhà máy AirTags, nhưng vẫn không được chấp thuận do phụ kiện này không phải một bộ phận trong iPhone.
Mới đây, Nikkei Asia dẫn nguồn tin cho biết sau nhiều lần bị từ chối, Apple hiện thảo luận với các nhà cung ứng về khả năng lắp ráp iPhone ở nước này. Nếu thành hiện thực, đây là một thắng lợi lớn cho Indonesia và đánh dấu lần đầu iPhone được sản xuất tại Đông Nam Á. Trước đó, Huawei cũng công bố kế hoạch sản xuất điện thoại tại đây.
"Một đối tác lắp ráp iPhone đã thành lập công ty con tại Batam dành riêng cho Apple và đã bắt đầu tuyển dụng các kỹ sư như một phần của quá trình chuẩn bị", một trong 4 nguồn tin có nội bộ cho biết.
Quyết định cuối cùng về việc lắp ráp iPhone sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa Apple và chính phủ Indonesia.
Theo một giám đốc điều hành, sẽ mất ít nhất một năm để xây dựng cơ sở sản xuất iPhone tại Batam nếu quyết định được chính thức thông qua.
"Không chỉ xây dựng nhà máy, cần thêm khoảng 4-6 tháng để thiết lập hệ thống phân phối điện cho quy trình sản xuất. Đó là chưa kể tới quá trình kiểm tra và xác nhận của Apple sau khi dây chuyền sản xuất sẵn sàng. Điều đó đồng nghĩa với việc Apple sẽ cam kết rất lớn khi yêu cầu các nhà cung cấp chuyển sang hoạt động tại Indonesia", người này nói với Nikkei Asia.
Là quốc gia đông dân thứ tư thế giới, Indonesia là một thị trường mới nổi quan trọng. Mặc dù thị phần điện thoại thông minh của Apple tại Indonesia chỉ khoảng 1%, nhưng tiềm năng tăng trưởng là rất đáng kể khi xét đến sự suy thoái toàn cầu của ngành công nghiệp điện thoại thông minh và những rào cản tại thị trường Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo dữ liệu của IDC năm 2024, phần lớn điện thoại được bán tại Indonesia vẫn là các mẫu điện thoại giá rẻ, với mức giá trung bình chỉ 195 USD. Transsion, ông vua điện thoại giá rẻ của Trung Quốc, đã chứng kiến lượng hàng xuất xưởng tăng vọt hơn 61% vào năm 2024 để trở thành nhà sản xuất điện thoại hàng đầu trên thị trường.
Tất cả các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn khác - cụ thể là Samsung, Oppo, Transsion, Xiaomi và Vivo - đều có sản xuất tại địa phương hoặc các đối tác địa phương giúp sản xuất điện thoại của họ tại Indonesia.
Nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Honor cũng vừa công bố kế hoạch thâm nhập thị trường Indonesia ngày càng cạnh tranh với tất cả điện thoại thông minh được bán tại đây đều được sản xuất tại địa phương.
Chính sách của Indonesia vốn quy định thiết bị điện tử bán trong nước phải có từ 35% đến 40% linh kiện địa phương. Trước đây, các công ty như Apple có thể đáp ứng bằng cách đầu tư vào phát triển và tạo việc làm trong nước, nhưng hiện Indonesia không chấp nhận.
Theo Apple Insider, quy định 40% thành phần sản xuất trong nước rất khó để bất kỳ nhà sản xuất nào đạt được. Apple chưa có nhà máy đối tác tại Indonesia. Việc xây cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng từ đầu để đáp ứng quy định sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, việc sản xuất iPhone tại Indonesia cũng sẽ là thách thức lớn cho Apple khi phải quản lý chuỗi cung ứng tại quốc gia thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện tại, Apple gần như không có hệ sinh thái chuỗi cung ứng tại Indonesia, chỉ với một nhà cung cấp linh kiện duy nhất được chứng nhận.
"Mọi thứ sẽ phải bắt đầu từ con số 0. Tiến độ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Apple đối với các nhà cung ứng, cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ địa phương”, một nguồn tin nhận định.
Trước khi lệnh cấm được ban hành, Apple được dự đoán bán được 2,9 triệu iPhone tại Indonesia trong năm 2024, chiếm 2% thị phần nước này.