Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7/2023 Việt Nam xuất khẩu 350.000 tấn dầu thô, đạt 224 triệu USD, tăng 52,2% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,76 triệu tấn dầu thô, thu về 1,16 tỷ USD, tương ứng tăng 19,7% về lượng và giảm 10,4% về trị giá.
Ngược lại, trong tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu 1,5 triệu tấn dầu thô với 862 triệu USd, tăng lần lượt 120,6% và 49,3%. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi 4,45 tỷ USD để nhập khẩu 7,36 triệu tấn dầu thô, tăng lần lượt 52,2% và 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, giá dầu thô thế giới liên tục tăng cao, tác động đến tình hình xuất nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), việc Saudi Arabia cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày sẽ làm sâu sắc hơn lo ngại về thâm hụt nguồn cung trong quý 3, nhất là khi quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có các động thái hỗ trợ nền kinh tế.
Thêm vào đó, Nga cũng thông báo cắt giảm xuất khẩu thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Các thông tin này vẫn sẽ là yếu tố đẩy giá chính đối với giá dầu.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị leo thang quanh khu vực Biển Đen nhiều khả năng cũng sẽ hỗ trợ cho giá. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các máy bay không người lái trên biển của Ukraine đã tấn công một căn cứ hải quân Nga gần cảng Novorossiysk ở Biển Đen. Vụ tấn công đã khiến cảng Novorossiysk tạm thời dừng mọi hoạt động di chuyển của tàu.
Đây là một trong những cảng xuất khẩu dầu lớn của Nga, với trung bình khoảng 500.000 thùng/ngày, chủ yếu được gửi đến châu Á và khu vực Địa Trung Hải. Trong tuần cuối cùng của tháng 7, đã có khoảng 500.000 thùng/ngày rời khỏi cảng này.
Về thị trường, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu dầu thô sang 8 thị trường chính trong 6 tháng đầu năm 2023, Thái Lan và Australia là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất với lần lượt 550.931 tấn và 500.689 tấn. Kuwait là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 4,91 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm 2023.
P.V