Nhiều nghiên cứu chuyên sâu đã nhận định hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh bất chấp sự đình trệ của nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với hai nước đi đầu về khởi nghiệp trong khu vực là Indonesia và Singapore.
10 tháng đầu năm nay, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã thu hút được 750 triệu USD vốn đầu tư thông qua 29 thương vụ, đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đưa ra tại Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2019).
Dưới đây là thông tin cụ thể của 5 thương vụ đầu tư lớn nhất vào startup Việt trong 2019. Điểm chung là các thương vụ này đều do quỹ ngoại thực hiện.
1. Sendo gọi thành công 61 triệu USD trong vòng Series C
Tháng 11 vừa qua, Sendo, nền tảng TMĐT thành lập vào tháng 3/2012 của tập đoàn FPT, tuyên bố đã hoàn thành vòng gọi vốn Series C với tổng số tiền huy động được là 61 triệu USD. Vòng gọi vốn Series C của Sendo có sự tham gia của hai nhà đầu tư mới là EV Growth của Indonesia và Kasikornbank đến từ Thái Lan.
Ngoài ra, thương vụ cũng có sự góp mặt của một số nhà đầu tư cũ như SBI Group, BEENOS, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners và Digital Garage. Những nhà đầu tư này từng rót vốn cho Sendo trong vòng Series B trị giá 51 triệu USD vào năm 2018.
Với nguồn vốn mới, Sendo cho biết sẽ mở rộng kinh doanh đồng thời đầu tư sâu hơn vào công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning).
2. Tiki nhận 75 triệu USD đầu tư trong vòng gọi vốn dẫn dắt bởi Northstar Group
Hồi tháng 3, Tiki gọi vốn thành công 75 triệu USD trong một vòng gọi vốn do Northstar Group dẫn dắt. Đây là quỹ đầu tư có giá trị khoảng 2 tỉ USD dành cho các công ty nằm trong giai đoạn tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù bắt đầu gọi vòng vốn đầu tiên từ 2012 và đã trải qua nhiều vòng vốn sau này, Tiki vẫn được coi là startup Việt. Theo tiết lộ từ Tiki, đến thời điểm đầu tháng 8 năm nay, các nhà đầu tư Việt Nam đang giữ cổ phần lớn nhất, chiếm 51,33%. Nhà đầu tư Trung Quốc chiếm 21,47%. Phần còn lại, tương đương 27,2% thuộc về các nhà đầu tư có quốc tịch khác.
3. Scommerce nhận 100 triệu USD từ Temasek Holdings
Ngày 28/10, Scommerce, nhà cung cấp dịch vụ logistic, công ty mẹ của Giao Hàng Nhanh (GHN) hay AhaMove, xác nhận thông tin nhận vốn vốn từ Temasek, quỹ đầu tư nhà nước của Singapore. Scommerce từ chối tiết lộ số tiền cụ thể nhưng thừa nhận đây là vòng gọi vốn lớn nhất từ trước tới nay của công ty.
Tuy nhiên, hai nguồn tin của DealStreetAsia tiết lộ giá trị đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Ở thời điểm hiện tại, GHN và AhaMove đang là đối tác của những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Shopee, Sendo, Lazada và Tiki. Bên cạnh đó, dịch vụ cũng đáp ứng nhu cầu vận chuyển của khoảng 100.000 nhà bán hàng nhỏ và trung bình khác
Lãnh đạo công ty cũng cho biết khoản tiền mới gọi được sẽ được dùng để giúp GHN và AhaMove tiếp tục đầu tư vào công nghệ, năng lực quản trị, nhân sự, hạ tầng và mạng lưới.
4. MOMO nhận 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C
Ví điện tử MOMO đã "nổ phát súng" đầu tiên của startup Việt trong năm 2019 khi ngay từ đầu năm đã gọi thành công vốn "khủng" trong vòng gọi vốn Series C với quỹ đầu tư Warburg Pincus (Mỹ). Đây là vòng gọi vốn đầu tư lần thứ 3 của MoMo. Trước đó, ví điện tử MoMo đã nhận khoản đầu tư 28 triệu USD của hai đối tác ngoại (Goldman Sachs 3 triệu USD, Standard Chartered Private Equity 25 triệu USD).
Mặc dù các điều khoản về tài chính của vòng gọi vốn không được công bố, nhưng DealStreetAsia cho rằng số vốn đầu tư nằm trong khoảng 100 triệu USD, con số cao nhất tại tại thời điểm đó mà các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào lĩnh vực fintech trong nước.
Được biết tại thị trường Việt Nam, Warburg Pincus mới chỉ có bốn khoản đầu tư bao gồm Vincom Retail, Lodgis, Techcombank, BW Industrial Development JSC và không có khoản đầu tư nào quỹ này rót vốn dưới 100 triệu USD. MoMo là công ty thứ năm tại Việt Nam nhận vốn từ Warburg Pincus.
5. VNPay nhận 300 triệu USD từ SoftBank và GIC
Một trong những khoản đầu tư đình đám nhất cho thấy sức hút của startup Việt Nam, mà cụ thể là các startup trong lĩnh vực fintech, chính là màn gọi vốn 300 triệu USD từ Vnlife, công ty mẹ của VNPay. Hồi cuối tháng 7, chủ tịch Vnlife, ông Trần Trí Mạnh, xác nhận thương vụ đầu tư đã được hoàn tất, song ông từ chối chia sẻ chi tiết các thông tin về tài chính.
Nguồn tin từ DealStreetAsia trong khi đó cho biết quỹ Vision Fund của SoftBank có thể đã cam kết đầu tư 200 triệu USD, trong khi đó quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC cam kết rót 100 triệu USD. Với khoản tài trợ này, VNPay chính thức được liệt kê vào nhóm các kỳ lân, tức các công ty khởi nghiệp tư nhân với mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Hiện VNPay đang đưa ra rất nhiều hình thức khuyến mại giảm giá khuyến khích quét mã QR code thay vì thanh toán tiền mặt, tư đó tỷ lệ người sử dụng VNPay đang tăng rất nhanh. Đã có hơn 23.000 điểm chấp nhận thanh toán mã VNPay QR trên toàn quốc, trong số đó có thể kể tới hàng loạt thương hiệu lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Mobifone, FPT, chuỗi nhà hàng Redsun, chuỗi cửa hàng thời trang Canifa, GenViet, Eva de Eva…
Nhật Anh