Luật Doanh nghiệp 2020: 5 thay đổi quan trọng giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020 có 5 thay đổi quan trọng theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. (Nguồn: VnEconomy)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa giới thiệu Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức Đối tác công tư được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV. 

Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2020 vừa được Quốc hội thông qua có 10 chương, 218 điều với nhiều điểm đột phá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và dự kiến có hiệu lực từ ngày. 1/1/2021.

Một là, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường. Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống” ;

Thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Hai là, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ.

Đồng thời, bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp.

Ba là, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sửa hữu Nhà nước. Cụ thể là sửa đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước để xác định rõ loại doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp ;

Bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Bốn là, thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuấ, đầu tư kinh doanh. Bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu (NVDR) đa dạng hóa thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

Năm là, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp, bảo đảm tương thích với Luật Cạnh tranh 2018 đối với các quy định về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp ; Bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành).

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).

Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).

Nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Luật Đầu tư có 7 Chương, 77 Điều và 4 Phụ lục. Trong đó, về nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan (Điều 4) nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật này sửa đổi, bổ sung Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong Luật Đầu tư 2014 để bảo đảm tính thống nhất với các Luật liên quan đến đất đai, thuế, đồng thời sửa đổi 06 Luật khác để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư năm 2020, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh.

Luật quy định rõ ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (các Điều 6, 7, 8 và 9), trong đó bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp (gồm 22 ngành, nghề quy định tại Phụ lục IV).

Đặc biệt, Luật đầu tư 2020 giải quyết một số điểm nóng. Chẳng hạn, Luật yêu cầu thẩm định dự án liên quan an ninh quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lập doanh nghiệp, góp vốn mua cổ phần ở địa bàn biên giới, ven biển. Căn cứ pháp lý cũng được bổ sung để chấm dứt hoạt động dự án núp bóng, giao dịch góp vốn mang tính giả tạo, đầu tư hộ.

Luật Đầu tư cũng giải quyết vấn đề chuyển giá trốn thuế khi bổ sung quy định giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết. Luật bổ sung quy định không gia hạn đầu tư với công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên...

Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, với sự kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đã được bổ sung các nội dung mới, quan trọng, bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới.

Về dự án BT, Luật PPP thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.

V.C