Mở rộng suy nghĩ, dám làm

Bà Phạm Thị Thơm, giảng viên Chương trình khởi nghiệp Quốc gia nói rằng, Bộ GD&ĐT thống kê, 63% sinh viên ở Việt Nam tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp, 37% đang có việc làm nhưng phần lớn làm trái ngành hoặc phải đào tạo lại. Gần đây, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Việt Nam có 24 triệu thanh niên, chiếm 44% lực lượng lao động trong xã hội, trong số này, tỷ lệ thất nghiệp cao gấp 3 lần tỷ lệ chung của cả nước. Nghiên cứu tại ĐH KHXH&NV Quốc gia cho thấy trong số 3.000 sinh viên đã ra trường, có tới 26% bị thất nghiệp và hơn 70% đi làm trái ngành. Đáng chú ý, trong số này có 46% tự đi xin việc và từng bị từ chối.

Theo bà Thơm, những con số trên đã minh chứng sự khập khiễng, thiếu đồng nhất giữa đào tạo và thực tiễn. “Đào tạo và thực tiễn lệch nhau nên đã có nghiên cứu cho thấy 100 doanh nghiệp khởi nghiệp năm đầu, thì sang năm hai chết 70 còn 30, năm ba chết 20 còn 10, thêm năm nữa còn 3 doanh nghiệp sống sót”, bà Thơm nói.

Nhiều năm đồng hành với startup Việt, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng thư ký Chương trình khởi nghiệp Quốc gia, cho rằng, người trẻ đi học đã tốn tiền của bố mẹ, thậm chí tốn thêm khoản nữa để kiếm việc, vậy sao họ không tự lo cho bản thân, làm bất kỳ việc gì có lợi mà không phạm pháp, trái đạo lý, vừa tự kiếm tiền giúp đỡ gia đình, làm lợi cho xã hội nhiều hơn. “Chỉ cần ước mơ đi, suy nghĩ và tư duy nhiều hơn về lĩnh vực bạn yêu thích, đam mê, lập ý tưởng và bước vào khởi nghiệp”, ông Dũng nói.

Theo TS. Phạm Mạnh Hà (ĐHQG Hà Nội), không ai muốn sống dựa dẫm cả, và an phận là tư duy cũ dễ khiến người trẻ tụt hậu, lãng phí chính mình trong xã hội 4.0. Hãy vượt ra “vỏ ốc” an phận, hãy mở rộng suy nghĩ, 
dám làm.

Tuổi trẻ cho phép bạn thất bại

Bà Thơm khuyên các bạn trẻ, dù học gì, học ở đâu, CĐ hay ĐH, hãy làm gì mình thích và có khả năng nhất. Điều đó khiến mình tự giác học tập, làm việc kèm thái độ tốt và tạo nghiệp.

Các chuyên gia khởi nghiệp cũng chia sẻ về hai cách kiếm tiền trong cuộc đời, đó là làm thuê và làm chủ. Ai đó thuê bạn với mức lương 5 triệu đồng/tháng, lương có thể tăng dần, nhưng ông chủ kiếm được từ bạn nhiều hơn 
mức đó.

Trồng rau, nuôi lợn, bán hàng online…, tất cả đều cần chuyên môn, kinh nghiệm, và cả kiến thức bổ trợ. Làm nông kiểu truyền thống thì rất vất vả, ít làm thậm chí không có lãi và thường gặp rủi ro dịch bệnh. Hiệu quả sẽ gấp bội nếu bạn dùng công nghệ. Đó là sự bổ trợ cần thiết. Một thạc sỹ luật có cả bằng cử nhân tài chính, gần đây về quê Hậu Lộc (Thanh Hóa) nuôi cá rô và trồng rau - làm trái nghề và có vẻ điên rồ một chút, nhưng hóa ra anh có con đường riêng, linh hoạt dự toán bài bản, tính toán đầu vào, đầu ra sản phẩm, và kiến thức về pháp luật cho anh thái độ và lương tâm với sản phẩm. Hiện anh thu lãi cả trăm triệu đồng/tháng. Sự bổ trợ cho đam mê của anh là yếu tố tối quan trọng để thành công, còn việc học tạo nên phương pháp luận, tư duy khác biệt.

Khơi gợi, truyền lửa khởi nghiệp cho bạn trẻ, TS. Phạm Mạnh Hà nói, nếu bạn không mạo hiểm, không làm thì không bao giờ có kỹ năng, kinh nghiệm. Tuổi trẻ cho phép bạn thất bại, nên đừng ngại dấn thân, hãy làm và làm ngay trước 30 tuổi - ngưỡng cho phép “thoải mái thất bại”. Chả thành công nào dễ dàng, nó là kết quả của quá trình lao động vất vả cùng đam mê đủ lớn. Đừng nằm đó mà chỉ gõ Google tìm ý tưởng, hãy vận động từ việc nhỏ mà nảy sinh ý tưởng. Bạn muốn làm một trang trại gà, hãy nuôi từng con gà, hãy ra chợ xem người dân mua gà gì, hãy đi bán gà, thăm trang trại của người khác, hãy thử làm thuê, ắt có bổ trợ mà sách không thể cung cấp cho bạn.

Vốn khởi nghiệp, lấy đâu ra?

“Phong trào khởi nghiệp lan tỏa khắp nơi, Thủ tướng và người đứng đầu các bộ ngành, tỉnh thành rất khuyến khích, không lẽ bạn có ý tưởng tốt mà nhà chức trách lại từ chối giúp đỡ”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói. Nếu có ý tưởng tốt, hãy tìm đến Chương trình khởi nghiệp Quốc gia, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ cần thiết.

Vừa tròn một năm kể từ khi Quyết định 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, rất nhiều nguồn quỹ liên quan đã bắt đầu phát huy tác dụng. Theo ông Dũng, các bạn trẻ sẽ không bao giờ bị bỏ rơi, các đại gia sẽ tìm đến rót tiền, thậm chí đánh cắp ý tưởng đó nếu bạn không làm. Không nên chỉ dựa dẫm nguồn lực từ người thân, vay mượn bạn bè. Hãy tích cóp từ việc nhỏ chỉ với vài triệu đồng, thậm chí là vài trăm ngàn đồng. Từ đây bạn cũng có thể có ý tưởng tốt và lập doanh nghiệp nhỏ.

Ông Dũng nhắc lại câu chuyện một nhóm sinh viên có ý tưởng lập quán cà phê văn hóa Hàn Quốc nhằm phục vụ bạn trẻ yêu văn hóa Hàn, địa chỉ cho người Hàn ở Việt Nam tìm đến giao lưu. Với quán này, có đại gia sẵn sàng tiếp sức 5 tỷ đồng đầu tư, nhưng các sinh viên nọ chỉ nêu vậy chứ không làm. Đại gia kia sau nhiều lần thuyết phục không thành, đã tuyên bố chính thức đánh cắp ý tưởng này.

Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái Đoàn Thị Thanh Tâm khẳng định, đối với các bạn trẻ, Tỉnh Đoàn là địa chỉ tin cậy để tư vấn và cả hỗ trợ về vốn, nguồn lực. Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Doanh nhân trẻ là nơi Tỉnh Đoàn sẵn sàng giúp bạn tiếp cận vốn rất nhanh. Tới đây, nguồn quỹ Hội Doanh nghiệp trẻ toàn quốc do T.Ư Đoàn quản lý với nguồn hàng ngàn tỷ đồng đi vào hoạt động cũng sẽ là điểm tựa cho bất kỳ bạn trẻ nào dám dấn thân khởi nghiệp với ý tưởng thuyết phục.

Ông Nguyễn Tiến Dũng dẫn gương các đại gia, như ông chủ VinGroup Phạm Nhật Vượng từng học Vật lý, bà chủ của Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo là cử nhân tài chính, ông bầu của Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức thậm chí không có bằng ĐH… Tất cả đã thành công nhờ đam mê, lý trí, kinh nghiệm, kỹ năng và cả sự thất bại.

Tùng Duy