Tăng hiệu quả giao thương, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cũng như các kinh nghiệm về hoạt động thông quan hàng hóa qua biên giới là những chủ đề được thảo luận nổi bật tại Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Việt Nam-Campuchia do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI chi nhánh Cần Thơ) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Tiền Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh (TGB), Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) cùng Phòng Thương mại Campuchia và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tổ chức tại thủ đô Phnom Penh chiều 6/12.
Tham dự Diễn đàn có Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh, các quan chức cấp cao đại diện Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), Bộ Thương mại Campuchia, Phòng Thương mại Campuchia cùng hàng chục doanh nghiệp hai nước.
Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Việt Nam-Campuchia là một phần trong chuỗi hoạt động của đoàn Caravan “Hành trình Kết nối Doanh nhân Việt Nam-Campuchia” tại đất nước Chùa Tháp, thu hút hàng chục doanh nghiệp lớn thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các đối tác nước bạn.
Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Caravan Việt Nam-Campuchia diễn ra trong bối cảnh đất nước Campuchia đang có những bước phát triển mạnh mẽ, với một nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, có tốc độ tăng trưởng GDP rất cao, bình quân hai thập kỷ qua đạt trên 7%/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, đất nước hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo.
Phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định, việc diễn ra dồn dập nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư-thương mại, du lịch giữa hai nước ở cả Việt Nam và Campuchia trong vòng hai tuần qua đã cho thấy sự quan tâm lớn của doanh nghiệp hai nước đối với các cơ hội kinh doanh và đầu tư xuyên biên giới.
Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Việt Nam-Campuchia được tổ chức ngày 6/12 thu hút nhiều doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có tiềm năng hợp tác rất lớn với vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương-kết nối, sự bổ sung của các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế giữa doanh nghiệp và thị trường hai nước.
Một điển hình của sự hợp tác gắn bó giữa các tỉnh Nam Bộ nước ta với Campuchia là Cần Thơ. Tuy không có biên giới trực tiếp với Campuchia nhưng Cần Thơ là một trong những địa phương đi đầu thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức các đoàn sang thăm, cũng như đón tiếp các đoàn khách từ Campuchia nói chung và tỉnh kết nghĩa Kampong Chhnang nói riêng.
Khẳng định VCCI là tổ chức đại diện cho tiếng nói cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam, tham mưu Chính phủ Việt Nam trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế và doanh nghiệp, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ - Nguyễn Phương Lam cho rằng VCCI luôn xem Campuchia là đối tác gần gũi, quan trọng, tin cậy và hiệu quả. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, giáp phần lớn với Campuchia, có dân số tương đồng và điều kiện tự nhiên tương tự, được xem là nơi có điều kiện thuận lợi nhất để hợp tác.
Trong khuôn khổ diễn đàn, rất nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội kinh doanh, thủ tục đăng ký, môi trường đầu tư, đặc biệt là các điều kiện mở đặc khu kinh tế tại Campuchia… đã được Phó Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia Chea Vuthy, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Veng Sothy, đại diện Phòng Thương mại Campuchia giải đáp cụ thể.
Về thương mại, giữa Việt Nam và Campuchia thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia năm 2018 đạt 4,704 tỷ USD, tăng 23,8 % so với năm 2017 và 10 tháng đầu năm 2019 kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia đạt 4,4 tỷ USD, tăng 13,8 % so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến năm 2019, kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt 5,2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 5 tỷ USD sớm hơn thời hạn một năm do Thủ tướng hai nước đưa ra.
Về đầu tư, tính đến nay, Việt Nam đã có 214 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,074 tỷ USD. Trong đó, có 176 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,77 tỷ USD, nằm trong nhóm năm nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia.
Đầu tư của Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông-công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến - chế tạo… Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia không chỉ thành công về mặt tài chính cho doanh nghiệp mà đã đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội của Vương quốc Campuchia.
Trong khi đó, Campuchia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 64 triệu USD, đứng thứ 54 trong 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam./.
Trần Long- Nguyễn Hùng-Trang Nhung/TTXVN