Doanh nghiệp than khó tiếp cận gói vay ưu đãi do ảnh hưởng Covid-19

00:00 12/10/2020

Nhiều DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không đủ kinh phí thể trả lương người lao động, để thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong khi vay vốn rất khó khăn.

Covid-19 hoành hành đã gây thiệt hại lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn "sức đề kháng" đã yếu nay lại "ngấm đòn" vì ảnh hưởng của đại dịch lại càng yếu hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng qua, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26.000 doanh nghiệp, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước; 16.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 14,5%; gần 6.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, trung bình mỗi ngày cả nước có 324 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể hoặc và tất thủ tục giải thể.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều giải pháp về thuế, phí, vay vốn ưu đãi, song các doanh nghiệp cho biết rất khó tiếp cận. (Ảnh minh họa)

Vấn đề mà hầu hết DN bị ảnh hưởng đang gặp phải là doanh thu không đủ bù chi phí dẫn tới không đủ kinh phí để trả lương cho người lao động, để thực hiện các nghĩa vụ tài chính như thuế, bảo hiểm, lãi suất, nợ ngân hàng,... Trong bối cảnh đó, để giảm bớt gánh nặng cho DN, cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, nhà nước cho phép các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng các chính sách ưu đãi, trong đó có gói hỗ trợ vốn vay ưu đãi.

Tháng 3 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trong tháng 5, NHNN điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Dù triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn, nhưng trên thực tế nhiều DN nhỏ và vừa vẫn chưa dễ tiếp cận được những nguồn vốn vay ưu đãi này bởi các ràng buộc về mặt thủ tục, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với DN…

Ông Trần Văn H., giám đốc một công ty hàng gia dụng tại Hà Nội cho biết, DN thiếu thông tin, hướng dẫn cụ thể về các khoản vay ưu đãi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, và bản thân công ty cũng thiếu tài sản đảm bảo, nên không thể vay được nguồn vốn này.

"Là chủ một doanh nghiệp quy mô nhỏ nên tôi rất mong muốn các ngân hàng có chính sách thông thoáng hơn, dễ tiếp cận vốn vay. Hiện các đơn vị cho thuê tài chính bên ngoài có hướng tiếp cận vốn đơn giản hơn, dù lãi suất cao hơn của các ngân hàng. Doanh nghiệp có thể cho vay bằng chính tài sản dự kiến đầu tư. Nếu các kênh hỗ trợ chính thống mà đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi thì chúng tôi mới có cơ hội vay được vốn từ nhà nước", ông H. bày tỏ.

Trong khi chờ đợi các gói hỗ trợ, để vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải tự chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay để chi trả lương nhân công, duy trì sản xuất để bám trụ chờ dịch qua đi.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, để các DN nhỏ và vừa được hưởng mức ưu đãi thực sự như quy định thì vẫn còn tùy thuộc vào các thỏa thuận, điều kiện riêng đối với ngân hàng. Ngoài ra, khi đã đáp ứng đủ hồ sơ để vay vốn thế chấp thì nhiều DN cũng phải chờ đợi các thủ tục, trình tự để giải ngân nguồn vốn vay khá lâu. Điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội, kế hoạch kinh doanh của DN.

Hiện tại nhiều doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn bởi bản thân họ đang gặp khó khăn cho dịch bệnh.(Ảnh minh họa: KT)

Hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa chú trọng nhiều vào việc thẩm định dựa trên hiệu quả từ phương án kinh doanh. Điều này sẽ giúp các ngân hàng hạn chế được nhiều rủi ro, trong khi các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, sẽ không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng sẽ điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng, tích cực hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định để hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp về thời hạn giãn, hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn hay việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay mới…

"Chúng tôi đã chỉ đạo trong toàn ngành rất sớm, vào cuộc rất nhanh, quyết liệt trong vấn đề hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân khó khăn trong thời gian dịch bệnh", ông Tú nói.

Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh, trước nay, không hạ chuẩn tín dụng trong cho vay là một nguyên tắc của tín dụng. Tín dụng hạ chuẩn đồng nghĩa với nợ xấu và mất an toàn cho từng tổ chức tín dụng cũng như an toàn hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia. Vì vậy, bảo đảm nguyên tắc an toàn cho hệ thống tín dụng được quy định rất rõ ràng.

"Vấn đề thiếu vốn hoặc hỗ trợ một cách tích cực hơn vốn cho các doanh nghiệp, chúng tôi đã ban hành nhiều chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn hết năm 2020. NHNN cũng đang xem xét các khó khăn của doanh nghiệp để điều chỉnh thêm, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng để giải ngân vốn và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đang có điều kiện và có những dự án hiệu quả thì hỗ trợ vốn đang được thực hiện tích cực. Các doanh nghiệp đang khó khăn, chưa có nhu cầu vay vốn, việc xử lý nợ cũ được giãn, hoãn một cách hợp lý, tích cực hơn để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh./.

Trần Ngọc