Đẩy lùi hàng giả, hàng nhái: Sự chủ động từ doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, thậm chí mang yếu tố nước ngoài. Do vậy, nếu không có chế tài đủ mạnh từ cơ quan chức năng và sự chủ động của doanh nghiệp (DN) thì rất khó đẩy lùi vấn nạn này.

Hàng giả "bủa vây"

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc đối ngoại và truyền thông LOréal Việt Nam - cho biết: Chỉ một năm sau khi thương hiệu này đến Việt Nam, năm 2008, thị trường Hà Nội tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu "LOreal chính hãng". Có lúc hàng giả chiếm lĩnh thị phần lên đến 75%, trở thành nguồn cung cấp sản phẩm làm đẹp chủ lực cho người tiêu dùng (NTD).

Bởi vậy, DN đã phải gửi công văn "kêu cứu" tới nhiều cơ quan chức năng, nhờ đó năm 2010 đã kiểm soát được thị trường. Song với sự phát triển của thương mại điện tử, năm 2015 hàng giả lại biến tướng sang hàng xách tay, bán công khai trên các trang mạng.

day lui hang gia hang nhai su chu dong tu doanh nghiep
QLTT đẩy mạnh tuyên truyền chống hàng giả, hàng nhái

"Việc chuyển hướng kinh doanh qua mạng khiến việc chống hàng giả trở nên khó khăn, do khả năng điều tra và kiểm tra các kho hàng được đặt trong các hộ gia đình là không khả thi. Như với LOreal, tại Việt Nam hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60%" - bà Trinh cho hay.

Thực tế này cũng được ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (QLTT) - Tổng cục QLnhìn nhận, thủ đoạn của các đối tượng buôn hàng giả ngày càng tinh vi, sử dụng phương tiện công nghệ cao để đối phó các cơ quan chức năng.

Để tránh kiểm tra, các đối tượng có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên, phụ kiện, các loại bao bì, tem, nhãn giả. Thậm chí hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm.

"Có trường hợp, bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở chỗ khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn, xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật khi bị kiểm tra"- ông Đạt thông tin.

Chặn từ khâu lưu thông

Nhìn từ phía NTD, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) - cho biết, 20% khiếu nại gửi đến cơ quan này trong 10 tháng năm 2019 liên quan đến cung cấp thông tin gây nhầm lẫn và chất lượng không đúng như quảng cáo.

Ông Tân đề nghị, một mặt nâng cao trách nhiệm và sự chủ động tham gia của DN trong việc đấu tranh với hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, mặt khác chế tài xử lý vi phạm cũng phải đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi tái diễn. "Đặc biệt, nếu phòng, chống hàng giả, hàng nhái tốt ngay từ khâu lưu thông sẽ đáp ứng được mục tiêu bảo vệ NTD, tạo môi trường thương mại lành mạnh" - ông Tân nhấn mạnh.

Nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, sắp tới, cơ quan này sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường. Đặc biệt, QLTT sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn DN, hộ kinh doanh nâng cao ý thức, không buôn bán hàng giả, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Tới đây, Tổng cục QLTT sẽ triển khai các công cụ trực tuyến kết nối giữa cơ quan QLTT, DN và NTD nhằm hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tiêu dùng cũng như chia sẻ thông tin, tố giác vi phạm.

Tuệ Minh