Con đường trở thành tỷ phú giàu thứ hai Nhật Bản của ông chủ SoftBank

00:00 12/10/2020

Masayoshi Son thành lập SoftBank vào đầu những năm 80 với khởi điểm là một công ty phân phối phần mềm và máy tính cá nhân với vỏn vẹn 2 nhân viên. Ở thời kỳ đỉnh cao, ông được cho là sở hữu tài sản lên đến 78 tỷ USD và là một trong những người giàu nhất thế giới.

Tỷ phú Masayoshi Son là nhà sáng lập, CEO và cổ đông lớn nhất của tập đoàn viễn thông và đầu tư SoftBank. Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, Masayoshi Son đang sở hữu khối tài sản trị giá 21,9 tỷ USD, là người giàu thứ hai Nhật Bản, chỉ sau Tadashi Yanai - ông chủ Uniqlo. (Ảnh: Reuters)

 

Masayoshi Son sinh năm 1957 trong một gia đình nhập cư tại hòn đảo Kyushu, Nhật Bản. Cha ông từng làm nhiều nghề, từ làm việc tại các nhà hàng, trang trại cho đến đánh cá. Năm 1972, Son được gặp nhà sáng lập McDonald's Nhật Bản Den Fujita – một trong những người ông coi là thần tượng. Chính Den Fujita là người khuyến khích Son đi du học Mỹ. Nghe theo lời khuyên này, một năm sau đó, Son tới San Francisco (Mỹ) để tiếp tục chương trình trung học. (Ảnh: Getty Images)

Sau đó, ông theo học ngành khoa học máy tính và kinh tế của trường Đại học California tại Berkeley. Trước năm 21 tuổi, Son đã bán công ty đầu tiên với sản phẩm là máy phiên dịch đa ngôn ngữ cho Sharp với giá khoảng 1 triệu USD. (Ảnh: Getty Images)

 

Vào những năm 1980, Son thành lập SoftBank với khởi điểm là một công ty phân phối phần mềm và máy tính cá nhân với vỏn vẹn 2 nhân viên trong căn hộ chật chội ở Tokyo (Nhật Bản). Công việc kinh doanh thuận lợi, ông bắt đầu mở rộng đầu tư vào lĩnh vực mạng viễn thông và đạt nhiều thành công ấn tượng. (Ảnh: Reuters)

Đầu những năm 2000 khi công nghệ bùng nổ, Masayoshi Son bỏ ra hàng chục tỷ USD đầu tư hơn 800 startup với mong muốn tạo ra "một kỷ nguyên kỹ thuật số" đa ngành tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết các startup này đều thất bại. Tài sản của ông sau đó “bốc hơi” đến hơn 70 tỷ USD. (Ảnh: Getty)

Masayoshi Son từng bị giới truyền thông Nhật Bản gọi là "tỷ phú đen đủi nhất thế giới". Ông trải qua quãng thời gian đầy u ám khi giá trị vốn hóa của Softbank từ 180 tỷ USD giảm xuống còn 2,5 tỷ USD do thị trường chứng khoán giảm mạnh. Các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD của tập đoàn vào các công ty khác như Alibaba, Nippon xuống giá vài chục triệu USD. (Ảnh: Getty Images)

 

Sau nhiều thất bại liên tiếp, Son không bỏ cuộc, ông vẫn tiếp tục các thương vụ đầu tư mới. Năm 2006, SoftBank mua lại bộ phận điện thoại di động của Vodafone và đặt ra kế hoạch vượt mặt gã khổng lồ DoCoMo của Nhật trong vòng 10 năm. Chỉ sau đó một năm, SoftBank là công ty đầu tiên bán iPhone tại Nhật giúp lượng thuê bao tăng lên nhanh chóng. (Ảnh: Getty Images)

 

Năm 2012, Son đưa ra quyết định táo bạo là thâu tóm 70% cổ phần nhà mạng Sprint tại Mỹ với giá trị 20 tỷ USD. Tháng 9/2014, Alibaba nổi tiếng thế giới với thương vụ IPO huy động được 25 tỷ USD. Nhờ khoản đầu tư sớm vào Alibaba, SoftBank lãi khoảng 4,6 tỷ USD. SoftBank dần hồi phục và trở thành một trong những tập đoàn viễn thông và Internet lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh: Getty Images)

 

Năm 2017, SoftBank ra mắt quỹ Tầm nhìn với trị giá 100 tỷ USD. Quỹ này đã rót vốn vào hàng loạt startup trên thế giới như Uber, WeWork, nền tảng giao đồ ăn DoorDash hay startup thương mại điện tử Ấn Độ Flipkart… Chiến lược đầu tư của Masayoshi Son được đánh giá là “khác thường” so với Thung lũng Silicon. (Ảnh: Getty Images)

 

Thời gian qua, nhiều startup được Masayoshi Son “chống lưng” rơi vào các vụ bê bối, kinh doanh thua lỗ. Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp của WeWork. Từ mức định giá 47 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao, startup cung cấp không gian làm việc chung này hiện chỉ còn giá trị 2,9 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhà đồng sáng lập và cựu CEO của WeWork, Adam Neumann, còn đệ đơn kiện SoftBank sau khi tập đoàn này hủy thỏa thuận mua lại cổ phần của anh và các cổ đông khác trị giá 3 tỷ USD. (Ảnh: Getty Images)

 

Trong buổi họp trực tuyến diễn ra 18/5, SoftBank thông báo quỹ Vision Fund lỗ tới 17,7 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua do những khoản đầu tư khổng lồ vào WeWork và Uber. Trong đó, lỗ từ Uber lên đến 5,2 tỷ USD, WeWork gây hậu quả 4,6 tỷ USD. (Ảnh: Bloomberg)

LInh Lam,