Lá đơn phá sản của WeWork vừa qua đã khép lại câu chuyện đầu tư kéo dài nhiều năm của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son. Số tiền đã mất, cộng thêm việc danh tiếng bị tổn hại nghiêm trọng, biến đây trở thành một trong những thương vụ thất bại nhất của người đàn ông gắn đời mình với câu nói ‘liều mới ăn nhiều’.
Ông Son bất chấp sự phản đối của các cộng sự, đã rót hàng tỷ USD từ SoftBank Group và quỹ đầu tư Vision Fund cho Adam Neumann - người sáng lập WeWork, từ đó nâng định giá startup này lên con số 47 tỷ USD vào đầu năm 2019.
Chỉ vài tháng sau, những tổn thất và xung đột lợi ích đã được tiết lộ trong hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của WeWork. Sự sụt giảm giá cổ phiếu sau đó của kỳ lân công nghệ đã khiến SoftBank gánh thiệt hại nhiều hơn cả khoản đầu tư 11,5 tỷ USD và một khoản nợ 2,2 tỷ USD khác vẫn chưa được xử lý.
Đà lao dốc thấy rõ của WeWork cùng với khoản lỗ kỷ lục 32 tỷ USD của quỹ Vision Fund đã huỷ hoại danh tiếng tỷ phú Son như một nhà đầu tư khôn ngoan, vốn được giới đầu tư mạo hiểm ca tụng sau cú đặt cược ngay từ đầu vào Alibaba. Ông đã từng nổi tiếng với thương hiệu “liều ăn nhiều”. Phi vụ đầu tư vào Alibaba đã trở thành một trong những quyết định đầu tư tốt nhất của Son. Chỉ với 20 triệu USD đầu tư vào Alibaba vào năm 2020, Masayoshi Son đã nắm 25% cổ phần của Alibaba. Có thời điểm lượng cổ phần này giá trị hơn 100 tỷ USD.
“Bạn có thể đứng dậy sau vấp ngã, song không thể đứng dậy nếu không nhận ra sai lầm của mình”, Aswath Damodaran, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, cho biết. “Hành động cho thấy ông ta là một người rất kiêu ngạo”.
Cũng theo Damodaran, chiến thắng trước đây của Son trong khủng hoảng dot-com đã ảnh hưởng rất nhiều đến phán đoán trong bối cảnh hiện tại. Người đàn ông này đã ngủ quên trên chiến thắng.
“Trước WeWork, người ta nhận thấy SoftBank là một tổ chức cực kỳ cẩn thận, thông minh và có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, sự tung hô khiến họ chủ quan, cho rằng mình biết nhiều hơn người khác. Đó là khởi đầu của sự sụp đổ”.
Son thành lập Quỹ Tầm nhìn của SoftBank vào năm 2017, sau đó tiến hành rót hơn 140 tỷ USD vào hàng trăm công ty khởi nghiệp. Xu hướng ‘bơm thổi’ đã khiến ông bị các đối thủ tại Thung lũng Silicon chỉ trích dữ dội.
Tuy nhiên, bản thân Son lại cho rằng quyết định của mình xuất phát từ bản năng và độ nhạy bén. Niềm tin mù quáng vào trực giác đã khiến vị tỷ phú bỏ qua loạt chỉ báo, sự phản đối của cổ đông cũng như chính những quan ngại mà CEO Neumann đã nhìn ra.
“Tôi yêu WeWork”, Son nói với các cổ đông.
Ngay cả sau khi WeWork tuyên bố hủy kế hoạch IPO vào năm 2019, SoftBank vẫn tung ra gói hỗ trợ trị giá 9,5 tỷ USD. Ông Son một mực bảo vệ quyết định của mình, đồng thời minh họa nhiều “giả thuyết” dẫn đến lợi nhuận cho WeWork.
“Việc SoftBank đổ thêm tiền vào WeWork là một tin tốt cho công ty này”, Dror Poleg, cựu giám đốc một công ty bất động sản cho hay. “Điều này đồng nghĩa công ty sẽ có nhiều tiền mặt hơn, hay ít nhất là WeWork vẫn còn được chống lưng”.
Quyết tâm tạo ra những kỳ lân với tốc độ chóng mặt bằng cách thúc đẩy các công ty khởi nghiệp tăng giá trị định giá của ông Son đã phải trả giá đắt. Chỉ vài năm sau, những bong bóng giá trị như vậy đã sụp đổ khi dòng vốn đầu tư không thể chuyển đổi thành doanh thu, lợi nhuận và IPO.
Trong năm 2019, WeWork từng được định giá lên đến 47 tỷ USD. Nhưng khi công ty công bố hồ sơ IPO vào tháng 8/2019, các con số đã tiết lộ một hình ảnh không mấy sáng sủa: Lỗ 1.9 tỷ USD trên doanh thu 1.8 tỷ USD trong năm 2018.
Ông Kirk Boodry, nhà phân tích tại Astris Advisory, cho biết: “Điều quan trọng không chỉ là khoản đầu tư thua lỗ mà còn là câu chuyện đằng sau. Việc bơm tiền mặt ồ ạt đã dẫn đến mức định giá ảo tăng cao và cả sự kiêu ngạo”.
Theo Fortune, Vision Fund của SoftBank dự kiến sẽ sớm có lãi, song hiệu suất hoạt động vẫn chưa thực sự cải thiện. SoftBank đã mất hàng tỷ USD khi đặt cược vào các công ty như ứng dụng gọi xe Didi, Katerra, OneWeb hay Zume Pizza. Khoản lỗ khổng lồ khiến Son phải tạm dừng hoạt động đầu tư vào năm ngoái, cắt giảm việc làm tại Vision Fund, đồng thời hạn chế lộ diện tại các cuộc họp nội bộ.
“Tôi xin nhắc lại một lần nữa, quỹ Vision vẫn sẽ hoạt động và tầm nhìn của chúng tôi không thay đổi. Thế nhưng dù muốn hay không thì chúng tôi cũng sẽ phải cắt giảm quy mô hoạt động”, Son tuyên bố.
Trong một cuộc họp nội bộ hồi năm 2020, chính ông Son đã phải thốt lên rằng bản thân quá dại dột khi đầu tư vào WeWork.
Cùng với vấn đề về quản trị, CEO Adam Neumann của WeWork đã bộc lộ những yếu điểm khi WeWork lớn quá nhanh. Neumann được nhiều người coi là linh hồn của WeWork, với khả năng thuyết phục đầu tư và tầm nhìn lớn. Tuy nhiên, sự thiếu kỷ luật, quản lý tài chính không hiệu quả và các quyết định tập trung quá nhiều quyền lực vào một người đã dẫn đến sụp đổ của WeWork. Đặc biệt Neumann đã bị chỉ trích rằng anh đã sử dụng WeWork để phục vụ lợi ích cá nhân, bao gồm các giao dịch bất động sản mà trong đó anh có quyền lợi, và việc sử dụng tiền của công ty để tài trợ các dự án cá nhân khác đã làm sụp đổ hình ảnh của Neumann nhanh chóng.
Đáng chú ý, sau này một nhân viên cấp cao của WeWork đã cho rằng đi kèm với một phong cách làm việc hết mình là một lối sống có phần bê tha của Neumann. Các văn phòng của WeWork trên toàn thế giới luôn phải nhớ chuẩn bị một vài ly thủy tinh và vài chai rượu tequila cao cấp Don Julio 1942 để Neumann sử dụng khi ghé thăm.
Với Masayoshi Son, thất bại tại WeWork, không chỉ dừng lại ở những con số tỷ đô đã mất, mà còn là sự mất niềm tin vào một phong cách đầu tư mang thương hiệu Masayoshi Son.
SoftBank là một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới khi nắm giữ cổ phần tại rất nhiều công ty, chẳng hạn như GoTo Group hay Delhivery. Hồi năm 2000, tập đoàn này cũng đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba để đổi lấy số cổ phần trị giá 200 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao. Đây được cho là một trong những khoản đầu tư thành công nhất mọi thời đại của SoftBank trước khi nó sụp đổ vì sự đầu tư vô tội vạ của Masayoshi Son.
“Softbank từng cứu WeWork và quyết định đó trở thành một thất bại đáng xấu hổ. Giờ đây các cổ đông và nhà đầu tư không còn hứng thú với những động thái tương tự nữa”, nhà sáng lập Richard Windsor của Radio Free Mobile nhận định.
Chính WeWork là phát súng đầu tiên khiến Masayoshi Son buộc phải thay đổi phong cách đầu tư lui về phòng thủ, cầm tiền mặt trong hai năm gần đây. Bức tranh về một công ty với định giá cao ngất ngưởng bỗng chốc sụp đổ và như một lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của việc phân tích kỹ lưỡng và kiểm toán sức khỏe tài chính cũng như mô hình kinh doanh của một công ty trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Đi kèm với đó, câu chuyện về Adam Neumann, người lãnh đạo quái chiêu, đã đặt dấu hỏi về sự minh bạch và đạo đức nghề nghiệp trong quản lý công ty.
Vụ việc này không chỉ đánh dấu một thất bại đau đớn mà còn là một tín hiệu báo động, gợi nhắc các nhà đầu tư khác về nguy cơ ẩn chứa khi không đánh giá một cách tỉnh táo và thận trọng. Nó cũng đánh dấu kết thúc một kỷ nguyên những startup định giá điên rồ.
Đình Lâm (t/h)