Bloomberg: Việt Nam là câu chuyện “yêu thích” của các quỹ đang tìm kiếm tăng trưởng

00:00 12/10/2020

Chứng khoán Việt Nam nằm trong số thị trường bị “vùi dập” nặng nề nhất trên thế giới trong năm 2020 và giới quan sát đang chờ đợi một cú xoay chuyển.

Ảnh minh họa

Lý giải cho quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng định giá chưa từng rẻ như thế này kể từ năm 2017 và nền kinh tế tăng trưởng ít nhất 5%/năm trong 2 thập kỷ qua. Chỉ số VN-Index gần như xóa sạch đà tăng của năm 2019 và hiện có hệ số P/E khoảng 12 lần (xét trên lợi nhuận dự phóng).

Nỗi lo về tình trạng gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng vì virus corona đã kéo chỉ số VN-Index giảm hơn 6% từ đầu năm 2020. Trong lúc Trung Quốc trì hoãn mở lại biên giới và thực hiện lệnh hạn chế di chuyển, các ngành liên quan đến du lịch, nông nghiệp, may mặc và máy móc tại Việt Nam có thể bị tác động nặng nề. Thế nhưng, các nhà phân tích cho tới nay vẫn đánh giá tích cực, dự báo các công ty Việt Nam sẽ vẫn ghi nhận lợi nhuận kỷ lục.

“Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia yêu thích của tôi về triển vọng tăng trưởng, định giá và tỷ suất cổ tức”, ông Federico Parenti, nhà quản lý quỹ tại Sempione Sim SpA ở Milan, cho hay. “Tôi sẽ chắc chắn mua thêm cổ phiếu một khi biết rõ hơn về tiến triển của tình hình hiện tại”.

Nhiều chuyên gia thừa nhận lợi nhuận của quý kết thúc vào tháng 3/2020 sẽ bị tác động khi visa của khách du lịch Trung Quốc – vốn chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch tại Việt Nam – bị tạm ngưng, trong khi các cuộc họp và lễ hội bị hủy bỏ để tránh sự lây lan của virus corona.

Mặc dù khối ngoại rút ròng 5,3 triệu USD ra khỏi các quỹ cổ phiếu Việt Nam tính từ đầu năm, nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với dòng vốn tháo chạy ra khỏi các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Philippines. Và mặc dù chỉ số VN-Index vẫn thấp hơn 25% so với đỉnh năm 2018, nhưng đã chứng tỏ là vẫn đứng vững trong dài hạn. Kể từ năm 2012, chỉ số VN-Index tăng qua mỗi năm (chỉ trừ 1 năm).

Đà bán tháo gần đây mang lại “cơ hội đầu tư giá trị thú vị” trong các ngành vận tải, năng lượng và tiêu dùng, ông Andrew Brudenell, nhà quản lý quỹ thị trường cận biên cho Ashmore Group Plc, nhận định.

Ông Ruchir Desai, nhà quản lý quỹ tại Asia Frontier Capital, cũng yêu thích những cổ phiếu liên quan đến du lịch.

Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á, với mức tăng trưởng 7% trong năm 2019, dựa trên dữ liệu chính thức. Dù rằng quan chức Chính phủ Việt Nam cho biết tăng trưởng có thể rơi xuống dưới mức 6% trong năm 2020, nhưng vẫn còn cao hơn phần lớn các quốc gia khác. Nhà đầu tư cũng nhận thấy Việt Nam nằm trong số những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VAM) dự báo việc thông qua Hiệp định Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trước đó trong tháng này cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế.

Ông Ngô Thế Triều, trưởng bộ phận đầu tư của Eastspring Investments ở Việt Nam, cho biết việc sửa đổi luật chứng khoán và tung ra các chỉ số mới sẽ góp phần thúc đẩy thị trường cổ phiếu Việt Nam.

“Các lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp từ những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tạo ra giá trị cho nhà đầu tư dài hạn”, ông nói.

Nguồn Bloomberg