Blockchain: Bước tiếp theo của ông chủ bán lẻ trực tuyến Overstock

00:00 12/10/2020

Patrick Byrne, nhà sáng lập và CEO của Overstock.com – từng là gã khổng lồ ngành bán lẻ trực tuyến – từ chức tháng 8.2019. Ông tuyên bố việc cung cấp thông tin cho cuộc điều tra về cáo buộc gián điệp Nga đã gây khó cho công việc của ông. Đó không phải là toàn bộ câu chuyện.

 Đầu tháng 5, Patrick Byrne vừa nói chuyện điện thoại xong với nghệ sĩ hiphop Akon và đi lòng vòng trong căn hộ ba phòng đắt tiền của ông trên tầng cao nhất của khách sạn The Jefferson, không xa đoạn đường Embassy Row (thuộc đại lộ Massachusetts) ở Washington D.C.

Ông lấy lon Diet Coke, gói kẹo gấu và vài gói kẹo m&m trong minibar, thả mình lên ghế sofa và bắt đầu khoe về việc nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Senegal đang cố tiếp cận mình. “Tôi nghe nói anh ấy là một nhạc sĩ. Chúng tôi có cùng hoài bão về châu Phi,” Byrne vừa nói vừa ném viên kẹo gấu vào miệng.

Blockchain: Bước tiếp theo của ông chủ bán lẻ trực tuyến Overstock - ảnh 1

Patrick Byrne, nhà sáng lập và CEO của Overstock.com

Mua Overstock.com năm 1999 và điều hành trong hai thập niên, Byrne luôn là người nhiều tham vọng. Ưu tiên hàng đầu trong danh sách của ông: dùng blockchain để thay đổi châu Phi với 1,3 tỉ dân.

Giống như đoạn quảng cáo công nghệ sổ cái phân tán còn non trẻ, nền tảng của các loại tiền mã hóa như bitcoin, ông vẽ về tương lai không còn tham nhũng, con người thoát khỏi đói nghèo và các quốc gia đang phát triển có thể phát triển vượt bậc bằng cách ứng dụng blockchain vào những hoạt động như bỏ phiếu, quản lý tài sản và ngân hàng trung ương. Trong danh sách ưu tiên này, lợi ích kinh tế của hàng ngàn cổ đông trong công ty khổng lồ ngành bán lẻ trực tuyến của ông đang ở vị trí thấp.

Nhiều năm qua, Byrne, 57 tuổi, dành ra không dưới 220 ngày mỗi năm để truyền bá niềm tin vào blockchain của mình, ngay cả khi Overstock đang thất thoát tiền mặt. “Năm năm nữa, chúng ta có thể thay đổi thế giới của năm tỉ người,” Byrne nói. “Ít nhất một tỉ. Có thể là năm tỉ.” Byrne nói mơ hồ về lý do ông ở thủ đô nước Mỹ và nhắc đến một cuộc họp với những nhân vật từ châu Phi về các dự án blockchain của ông. Sau đó, ông tiết lộ đang họp với bộ Tư pháp.

Byrne tuyên bố ông đóng vai trò nguồn tin của chính phủ, cung cấp thông tin cho nhóm người “Men In Black”, theo đúng cách gọi của ông, từ năm 2015, về Maria Butina – sinh viên người Nga vừa tốt nghiệp, có quan hệ tình cảm với ông. Cô đang thụ án 18 tháng tù sau khi thừa nhận âm mưu làm điệp viên cho nước ngoài, liên quan đến nỗ lực thâm nhập phe bảo thủ trước và sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Trong thư từ chức, Byrne viện dẫn mối liên quan của mình đến “các vấn đề của chính phủ” làm phức tạp hóa “những mối quan hệ kinh doanh, từ bảo hiểm cho đến các cuộc thảo luận chiến lược liên quan đến hoạt động bán lẻ của chúng ta”. Byrne nói những gì ông làm (chính xác là những gì thì vẫn chưa rõ ràng) là “cần thiết vì lợi ích của đất nước và lợi ích của công ty.”

Byrne kết thư: “Công khai sự liên quan của mình với các vấn đề khác gần như không phải lựa chọn đầu tiên của tôi. Nhưng trong ba năm, tôi đã chứng kiến đất nước chia rẽ, trong khi tôi biết nhiều câu trả lời, và tôi không thể chịu đựng được nữa khi thấy bạo lực dân sự bùng phát. Thầy của tôi (Warren Buffett) khiến tôi nhận ra rằng ‘công khai’ nghĩa là nói sự thật với công chúng (chứ không chỉ với chính phủ). Hiện giờ, tôi dự định để lại mọi thứ cho bộ Tư pháp kính mến (tôi chắc chắn họ rất tức giận khi bị công khai) và biến mất một thời gian.”

Vài phút sau bài phát biểu chia tay nhân viên, Byrne gọi khi đang ngồi trong xe của mình, nói ông đã đóng gói hành lý. “Tôi sẽ đến bờ biển nào đó ở Nam Mỹ một thời gian và lúc này tôi chỉ nghĩ đến vậy,” ông nói. “Tôi muốn lấy lại vóc dáng cân đối, tập yoga và ăn chay trường.”

 Sau thời kỳ dẫn đầu ngành thương mại điện tử, Byrne đẩy công ty có trụ sở tại Salt Lake City của mình vào cuộc khủng hoảng hiện tại. Cách đây gần hai thập niên, Byrne được ca ngợi là “người đàn ông tài hoa của ngành thương mại điện tử.”

Khi đó, cửa hàng bán hàng thanh lý giá rẻ do ông nắm quyền kiểm soát từ năm 1999 bằng số tiền 7 triệu USD đang trên đà trở thành hiện tượng của ngành bán lẻ trực tuyến, với mức vốn hóa thị trường cao nhất là 2,2 tỉ USD. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số siêu cạnh tranh, những mô hình kinh doanh đột phá không tồn tại lâu, và hiện tại Overstock – từng là một doanh nghiệp đổi mới – trở nên lạc hậu.

Vào thời điểm từ chức, Byrne từ bỏ mọi nỗ lực cạnh tranh với những đối thủ như Amazon, Wayfair, và thất bại sau hai năm cố gắng tinh giản hoạt động kinh doanh bán lẻ của Overstock. Blockchain là nỗi ám ảnh mới của Byrne, tương tự thương mại điện tử hồi đầu thiên niên kỷ.

Vì vậy, Byrne chuyển các nguồn lực trên đà suy kiệt của Overstock vào các dự án blockchain mạo hiểm – hơn 200 triệu USD từ năm 2014. Khoảng 30% số tiền đó được chuyển vào 18 công ty đang trong quá trình xây dựng bộ sản phẩm blockchain và vẫn chưa có doanh thu. Phần còn lại có vẻ bị lãng phí do tư thù: Overstock đang tạo ra phiên bản blockchain của Nasdaq. Byrne tin rằng, một trong những lợi ích của dự án này là có thể chấm dứt hành động bán khống vô căn cứ gây tổn hại cho công ty ông suốt 15 năm qua.

Đồng minh của Byrne rất đa dạng, từ Akon, ngân hàng Thế giới đến người bán khống khét tiếng Marc Cohodes và thành phố Denver. Nhưng mọi cánh cửa đã đóng chặt trước cuộc phiêu lưu viển vông của Byrne. Từ đầu năm 2018, giá cổ phiếu ngắn hạn (CK) của Overstock giảm mạnh đến 92%.

Blockchain: Bước tiếp theo của ông chủ bán lẻ trực tuyến Overstock - ảnh 2
 

Theo số liệu đáng tin cậy, Overstock mất 206 triệu USD trong năm 2018 và 110 triệu USD trong năm 2017. Năm ngoái, Byrne sa thải ít nhất 400 nhân viên. Tệ hơn nữa là các rắc rối xuất hiện trong chiến lược mới của Overstock. Tzero, nền tảng giao dịch mã hóa được đánh giá cao của công ty, đang bị SEC điều tra và một khoản đầu tư rất được kỳ vọng từ quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân vào sàn giao dịch non trẻ đã “đoản mệnh”.

Medici Ventures, hướng đầu tư blockchain của Overstock, vẫn chưa tạo ra doanh thu rõ ràng và thua lỗ 61 triệu đô la Mỹ năm 2018. Với thực trạng nhiều công ty lớn như Facebook cũng đang triển khai blockchain – việc Byrne chuyển hướng sang blockchain có vẻ cũng khó khăn như hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến của họ. Cuối cùng, đến cả những cổ đông trung thành nhất của Byrne cũng nổi dậy.

Hồi tháng năm, những nhà đầu tư giận dữ trút lên Byrne hàng loạt cuộc gọi và email khi ông bán 900 ngàn cổ phiếu: “Nói thật, tôi không hiểu vì sao cổ đông lại yêu cầu phải giải thích lý do và cách tôi dùng tiền, tài sản thu được từ lao động của bản thân để theo đuổi mục đích sống của chính tôi.”

Byrne là con của John “Jack” Byrne, nhà toán học quá cố tốt nghiệp đại học Michigan. Ông là nhà điều hành bảo hiểm nổi tiếng nhờ vực dậy thành công Geico giữa thập niên 1970 và thuyết phục Warren Buffett đầu tư vào công ty bảo hiểm ô tô này. Buffett từng mô tả cha của Byrne là “Babe Ruth của ngành bảo hiểm” và thỉnh thoảng cũng đến thăm nhà của ông.

Cha mẹ của Byrne cho phép Patrick nghỉ học để có thời gian tiếp xúc với nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm. Hiện tại, Byrne gọi tỉ phú xứ Omaha là thầy của mình. “Mẹ tôi lấy ra một thùng Pepsi, và Buffett, một người nghiện ăn uống, luôn mang theo một bình siro anh đào như một kẻ nghiện rượu. Chúng tôi ngồi xuống và uống cạn 18 lon Pepsi trong một buổi chiều.”

Sau đó, cha của Byrne thành lập công ty cổ phần bảo hiểm mang tên White Mountains Insurance. Cổ phần của ông, trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ khi ông nghỉ hưu vào năm 2007, trở thành tài sản chính của gia đình. Patrick là con út và sớm trưởng thành nhất trong ba người con trai của Jack.

Năm 1981, ông đến Dartmouth học triết học và châu Á học. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tinh hoàn. Sau quá trình điều trị, ông ăn mừng bằng chuyến đi xe đạp xuyên quốc gia với anh em của mình. Ung thư tái phát hai lần khiến ông phải nhập viện suốt tuổi đôi mươi. Để giữ mình bận rộn trong thời gian nằm liệt giường, ông theo học và tốt nghiệp ngành logic toán học ĐH Stanford.

Năm 1988, ông đến ĐH Cambridge bằng học bổng Marshall và lấy bằng tiến sĩ triết học tại Stanford. Byrne nói được tiếng phổ thông Trung Quốc và một số ngôn ngữ khác. “Tôi là một trong những người thực sự nghiên cứu triết học vì tôi cố gắng tìm ra vị trí của con người trong vũ trụ,” Byrne nói. Byrne xoay xở hết sức để trở nên giàu có vào cuối thập niên 1980. “Tôi lớn lên trong một gia đình định hướng kinh doanh rõ rệt... Tôi chưa bao giờ nghĩ đến công việc trong môi trường đại học,” ông nói.

Năm 1987, ông và anh trai mua một khách sạn đã phá sản với giá khoảng một triệu đô la Mỹ, và bán được bốn triệu đô la Mỹ sau đó vài năm. Năm 1989, họ bắt đầu mua những khoản nợ vay tiêu dùng xấu ở mức giá 5 xu/ 1 USD trong cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ. Đầu thập niên 1990, Byrne dẫn đầu khoản đầu tư 1 triệu USD vào một sòng bạc ở Colorado và sau đó bán được 5 triệu USD. Ông cũng đầu tư vào những trung tâm mua bán ngoài trời, văn phòng cho thuê và chung cư thua lỗ trên toàn quốc.

Không gì có thể giữ chân Byrne được lâu. Năm 1994, ông dẫn đầu khoản đầu tư vào Centricut, nhà sản xuất bộ phận đèn pin công nghiệp có trụ sở tại New Hampshire, và giữ chức CEO trong khoảng thời gian ngắn. Năm 1997, ông từ chức và chuyển sang điều hành Fechheimer Brothers – công ty thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway, chuyên cung cấp đồng phục cho cảnh sát, lính cứu hỏa và quân đội.

Năm 1999, nhận ra cơ hội trong lĩnh vực bán hàng tồn kho trực tuyến, công ty cổ phần đầu tư của ông đã mua lượng cổ phần đa số của D2-Discounts Direct với giá 7 triệu USD. Ông đổi tên công ty thành Overstock và khi 55 nhà đầu tư mạo hiểm từ chối đầu tư, ông chuyển sang kêu gọi bạn bè, gia đình và sử dụng chi phiếu của mình.

Công ty bắt đầu thu gom hàng tồn kho từ những công ty kinh doanh trực tuyến phá sản, từ hàng điện tử tiêu dùng, trang sức đến đồ thể thao và bán lại với giá rẻ. Năm 2002, doanh thu của Overstock đạt 92 triệu USD và Byrne đưa công ty lên sàn chứng khoán thông qua đấu giá kiểu Hà Lan, cho phép các nhà đầu tư (không phải chủ ngân hàng) tự đặt giá cho cổ phiếu. (Google cũng niêm yết bằng cách này.)

Blockchain: Bước tiếp theo của ông chủ bán lẻ trực tuyến Overstock - ảnh 3
 

Đến năm 2005, cổ phiếu của công ty, trước đó đã tăng vọt sau IPO, bắt đầu trượt dốc khi thua lỗ trên diện rộng. Byrne tin chắc là do hoạt động bán khống (nhà đầu tư bán cổ phiếu mà họ không thực sự sở hữu vào thời điểm giao dịch). Trong một cuộc hội đàm trực tuyến đầy tai tiếng vào tháng 8.2005, ông hung hăng tuyên bố về việc các quỹ đầu cơ, nhà báo và nhà quản lý âm mưu đẩy giá cổ phiếu của công ty xuống theo chỉ đạo của một mối đe dọa vô hình ông gọi là “Sith Lord”.

Overstock kiện quỹ đầu cơ bán khống cổ phiếu Rocker Partners và công ty nghiên cứu Gradient Analytics, công ty đã chỉ trích Overstock. Năm 2007, ông nộp đơn kiện trị giá 3,5 tỉ USD nhắm vào 11 ngân hàng lớn nhất phố Wall (trong đó có Goldman Sachs, Morgan Stanley và Credit Suisse), cáo buộc họ tham gia vào một “kế hoạch đồ sộ thao túng thị trường chứng khoán bất hợp pháp” tạo điều kiện cho bán khống vô căn cứ.

Chiến dịch khiến ông mất hai giám đốc, cha ông cũng mất niềm tin vào con và dọa sẽ rời vị trí thành viên ban điều hành vì cho rằng con trai bị phân tâm khỏi hoạt động kinh doanh cốt lõi của Overstock. Vụ kiện kéo dài hơn một thập niên và dẫn đến một vài thỏa thuận, bao gồm khoản thanh toán 20 triệu USD từ Merrill Lynch năm 2016. Tom Forte, nhà phân tích cổ phiếu độc lập, phát biểu: “Tôi cho rằng ông ấy thắng trận đấu nhưng lại thua trong toàn cuộc chiến chống lại bán khống vô căn cứ”.

Trong những năm Byrne theo kiện các kẻ bán khống, cổ phiếu của Overstock sụt giảm và doanh thu tăng vọt, lần lượt đạt 830 triệu USD năm 2008, 1,3 tỉ USD năm 2013 và 1,8 tỉ USD năm 2018. Tuy công ty chưa bao giờ mất nhiều tiền như Amazon hay Wayfair như Byrne hay khoe khoang, lợi nhuận của họ lại khá khiêm tốn. Overstock bắt đầu có lời từ năm 2009, và họ chỉ kiếm được những khoản lợi nhuận nhỏ trong bảy năm tiếp theo.

Năm 2017 và 2018, khi Byrne chuyển sự chú ý sang tiền mã hóa và blockchain, công ty bắt đầu thua lỗ – 316 triệu USD trong hai năm – nhiều gấp hai lần mức lợi nhuận Overstock từng đạt được. Byrne đổ lỗi việc giảm thị phần là do những đối thủ cạnh tranh giàu tiền mặt. “Điều tôi không bao giờ đoán được... là việc tôi tham gia một ngành công nghiệp trong đó người ta chấp nhận mất 500 triệu, một tỉ hoặc ba tỉ đô la Mỹ mãi mãi. Chúng tôi bắt đầu thu hút những kẻ bắt chước và họ dường như có nguồn vốn không giới hạn,” ông nói.

Nhân viên cũ nói Byrne bị phân tâm. Năm 2004, công ty chi vài triệu đô la Mỹ để phát triển một nền tảng đấu giá trực tuyến gần giống eBay, nhưng nền tảng này đã phải vật lộn tìm doanh thu và bị đóng cửa năm 2011. Năm 2014, Overstock đầu tư 400.000 USD hỗ trợ việc nhận nuôi thú cưng bằng cách làm việc với những trạm cứu hộ động vật. Tổ chức này hiện vẫn hoạt động nhưng được mô tả như “dịch vụ công cộng”.

Overstock bắt đầu bán bảo hiểm nhà, ô tô và doanh nghiệp nhỏ vào năm 2014. Byrne mô tả đây là “một bước đi dài hạn” nhưng lại hủy bỏ kế hoạch này chỉ sau ba tháng.

“Patrick rất tập trung vào một cái gì đó, và khi thấy tình hình tài chính không khả quan, đương nhiên, ông ấy buộc phải sa thải nhân viên,” Chad Huff, cựu nhân viên phát triển phần mềm của Overstock, cho biết. “Sáng kiến được khởi động, sau đó bị gác lại. Hoặc họ hoàn thành được một nửa và không đạt chất lượng tốt nhưng vẫn cho ra mắt.”

Vài tháng trước khi từ chức, Byrne ngồi tại trụ sở mới của Overstock – với thiết kế giống như dấu hiệu hòa bình khi nhìn từ trên xuống – và ôn lại hai thập niên điều hành công ty của mình. “Đó giống như vùng đất tưởng tượng,” Byrne nói.

Overstock từ lâu đã miễn nhiễm trước những chiến dịch của cổ đông chủ động và những cuộc đảo chính của hội đồng quản trị, và điều cuối cùng thúc đẩy sự ra đi đột ngột của ông vẫn còn rất mơ hồ. Nhà đầu tư kêu gọi Byrne rời khỏi vị trí CEO và trở thành chủ tịch công ty.

Sau vài đợt bán cổ phiếu gần đây, Byrne vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty tại thời điểm từ chức, với 14% cổ phần, và ông tuyên bố rằng mình không bị đẩy ra. “Không phải do áp lực từ phía cổ đông. Áp lực duy nhất – hoặc vấn đề thực sự – là cơn thịnh nộ của những công ty bảo hiểm,” ông nói. (Hồi tháng chín, Byrne đột ngột bán toàn bộ cổ phần của mình.)

Byrne bắt đầu theo đuổi tiền mã hóa từ cuối năm 2013. Năm đó, giá bitcoin nhảy vọt từ khoảng 13 USD lên hơn 1.000 USD, và tháng 1.2014, Overstock trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng bitcoin. Chẳng bao lâu sau, Byrne bắt đầu khai thác bảng cân đối kế toán của Overstock để tài trợ cho những ý tưởng blockchain ngày càng lớn hơn.

Viên ngọc quý của ông là sàn giao dịch chứng khoán kỹ thuật số có tên Tzero, đang tìm cách cho phép nhà đầu tư giao dịch cái gọi là những token chứng khoán đại diện cho chứng khoán truyền thống trên blockchain. Nhóm đề xuất cho biết điều này sẽ cải thiện khả năng truy cập và thanh khoản cho những khoản đầu tư đảm bảo, cộng với việc cắt giảm thời gian thanh toán cho cổ phiếu và trái phiếu từ tối đa hai ngày xuống chỉ còn vài giây.

Lợi ích cộng thêm là hệ thống này sẽ khiến việc bán khống không thể thực hiện được bằng cách loại bỏ thời gian trễ giữa lệnh mua và bán. Tzero đáp ứng hàng loạt yêu cầu pháp lý đáng sợ, đáng chú ý nhất là việc mua lại một công ty có giấy phép triển khai hệ thống giao dịch thay thế. Nhưng do chỉ có vài token có thể giao dịch trên Tzero, bao gồm cả những token đại diện cho cổ phiếu của chính Overstock và Tzero, rất ít người sử dụng nền tảng này.

Hồi tháng 5, công ty tuyên bố hợp tác với tập đoàn bất động sản khổng lồ Emaar Properties tại Dubai để niêm yết hai tỉ đô la Mỹ bất động sản và Securitize, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực đóng gói tài sản truyền thống vào các token kỹ thuật số để có thể giao dịch trên blockchain.

Tuy kỳ vọng tạo ra doanh thu từ phí niêm yết, hoa hồng từ các giao dịch, lãi vay từ các tài sản cho vay và những nguồn khác, nhưng trước mắt Tzero cần tạo thanh khoản bằng cách thu hút nhà phát hành và nhà đầu tư chất lượng tham gia nền tảng này. Byrne cũng đang phát triển một nền tảng cho vay chứng khoán như một phần của Tzero, nền tảng sẽ kết nối trực tiếp những tổ chức đầu tư quản lý nhiều tài sản như quỹ hưu trí (kiếm tiền bằng cách cho vay cổ phiếu) với những người bán khống (vay chứng khoán để giao dịch).

Hai bên đều có lợi từ mức phí thấp hơn, và sẽ nhận được biên nhận kỹ thuật số trên nền tảng blockchain chứng minh rằng cổ phiếu đã thực sự được giao dịch. Dịch vụ này nhắm đến các ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley, hiện đang xen vào giữa các giao dịch này. “Đó là hoạt động kinh doanh lớn cuối cùng ở phố Wall,” Byrne nói. “Các quỹ hưu trí sẽ hiểu rằng họ đã bị tước mất hàng chục tỉ đô la Mỹ thu nhập mỗi năm. Số tiền đó đang biến thành những chiếc Maybach ở Hamptons.”

Tại cuộc họp cổ đông thường niên của công ty hồi tháng năm, Byrne đặt ra những câu hỏi hóc búa. Trong năm tháng trước đó, giá bitcoin tăng 60%, còn cổ phiếu của Overstock lại trượt dài. Sau nhiều tháng trì hoãn, Overstock tiết lộ thông tin chấn động: dù đã chào mời một thỏa thuận trị giá tới 404 triệu USD, Tzero vẫn sẽ nhận thêm một khoản tiền nhỏ trị giá 5 triệu USD dưới hình thức đồng nhân dân tệ Trung Quốc, đô la Mỹ và cổ phiếu trên sàn giao dịch Hong Kong từ GSR Capital, công ty đầu tư châu Á.

Byrne có tiếng là hứa rất nhiều nhưng chẳng làm được bao nhiêu. Năm 2016, Byrne nói với các nhà đầu tư rằng Overstock sẽ phát hành chứng khoán vốn ứng dụng blockchain đầu tiên trên thế giới. Cuối cùng, Byrne đã tự mua 50% số cổ phiếu ưu đãi trị giá 2 triệu USD.

Năm 2017, Byrne công bố một liên doanh với nhà kinh tế người Peru, Hernando de Soto Polar, người sẽ “thách thức tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng toàn cầu” bằng cách tạo ra một nền tảng đăng ký đất đai toàn cầu dựa trên blockchain. Nhưng khi họ không thể đồng thuận các điều khoản, Byrne đã góp bảy triệu đô la Mỹ tiền túi để nắm 43% cổ phần của công ty Medici Land Governance mới thành lập.

Năm 2017, Overstock bắt đầu chào bán mảng kinh doanh bán lẻ của mình, nhưng chẳng ai quan tâm. Bên cạnh đó, đợt “phát hành tiền mã hóa lần đầu” của Tzero cũng gặp vấn đề. Đặt mục tiêu huy động 250 triệu USD, nhưng cuối cùng, khi giá tiền mã hóa sụt giảm, họ chỉ thu được 105 triệu USD vào tháng 8.2018 với chi phí 21,5 triệu USD cho công ty mẹ Overstock. Đợt phát hành này hiện đang bị SEC điều tra, là một phần của cuộc đàn áp ICO toàn diện hơn.

Nhiều nhà đầu tư ngán ngẩm. Kevin Mak, giảng viên trường Kinh doanh Stanford, chia sẻ: “Về cơ bản, mỗi sáng kiến đưa ra, họ đều hứa hẹn hoặc báo hiệu với thị trường rằng đây là một đợt tạm nghỉ đáng kinh ngạc và họ sẽ hoàn thành nó trong ba đến sáu tháng”. Ông là người đầu tư vào công ty năm 2017 và bán cổ phần của mình cuối năm 2018. “Cuối cùng tôi thoát ra khi nhận thấy thông tin tôi nhận từ ban quản lý  – tôi muốn chọn đúng từ – không còn đáng tin cậy nữa.”

Cuối cùng, Byrne buộc phải dành thời gian đáng kể để săn đuổi các quỹ mới. Tháng 11.2017, Overstock vay 40 triệu USD từ mẹ (ủy thác 5% cổ phần công ty do bà sở hữu) và anh trai của Byrne với lãi suất 8%. Trong vài tháng sau đó, đúng thời điểm cao trào của tiền mã hóa, công ty nhận thêm 150 triệu USD từ hai nhà đầu tư, bao gồm George Soros, sau khi họ đổi chứng quyền lấy cổ phiếu (những nhà đầu tư này đã bán cổ phiếu của họ).

Vào tháng 8 và tháng 9.2018, công ty huy động thêm 95 triệu USD bằng cách phát hành cổ phiếu phổ thông trong một đợt chào bán “trên thị trường”. Bán cổ phần khiến cổ phiếu của Overstock bị pha loãng trầm trọng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng từ mức 25 triệu lên 38 triệu trong hai năm qua. Trong quý đầu tiên của năm 2019, Overstock cam kết một đợt bán cổ phiếu nhanh khác, huy động 31 triệu USD để bù đắp một phần khoản thất thoát tiền mặt trị giá 51 triệu USD.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ban đầu của Overstock đang dần kiệt quệ. “Đây là cuộc chiến để điều hành mảng bán lẻ, vì đó chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của ông ấy,” Stormy Simon – cựu chủ tịch phụ trách vận hành, nghỉ việc năm 2016 – cho biết. Từ đó, đã có vài đợt sa thải trong mảng kinh doanh bán lẻ. Còn chi phí nhân sự mảng blockchain vẫn duy trì.

Saum Noursalehi, CEO của Tzero, nhận 4,8 triệu USD trong năm 2018, trong khi anh trai ông là Nariman, phó chủ tịch Tzero, nhận 1 triệu USD. Amit Gidel, giám đốc công nghệ của Tzero, nhận 1,8 triệu USD – và Sumit, anh trai của ông, nhận thêm 765.000 USD.

Trong những báo cáo hằng quý gần đây, Overstock cho thấy họ sẽ có thể tài trợ cho những mối ràng buộc hiện tại trong ít nhất 12 tháng nữa, nhưng có thể cần thêm vốn “để có thể theo đuổi hoàn toàn một số hoặc tất cả các chiến lược của chúng tôi”. Tiết lộ này dường như ít ảnh hưởng đến cổ phiếu của Overstock, vì hiện tại nhiều nhà đầu tư đã từ bỏ công ty.

Byrne chưa bao giờ thể hiện sự tôn trọng với phố Wall hoặc cổ đông – những tác nhân có thể sẽ gây ảnh hưởng cho ông sau này. “Chúng tôi giống như một con tàu phá băng của Nga đang băng qua cánh đồng băng Bắc Cực. Con tàu chỉ tiến được từ 2,7 đến 3,4m một lần và cực kỳ tốn kém,” Byrne nói. “Khi bạn còn đang nói về những con số thì chúng tôi lại đang bàn bạc và giải ngân hàng ngàn tỉ đô la Mỹ tiền vốn... Tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều tiền, thật choáng váng khi cố gắng mô hình hóa nó.”

Lauren Debter