Bitcoin và thuyết âm mưu

00:00 12/10/2020

Tờ Financial Times vừa có một bài so sánh đồng tiền mật mã bitcoin với QAnon. Với nhiều người, bitcoin có lẽ đã là cái tên quen thuộc còn QAnon là một dạng thuyết âm mưu đang thu hút mối quan tâm của nhiều người Mỹ.

Ảnh minh họa

Mặc dù bài viết lấy chuyện người ta đã biết về bitcoin để lý giải sức hút của QAnon, cũng có thể đọc ở hướng ngược lại để hiểu vì sao bitcoin nói riêng và tiền mật mã nói chung vẫn đang lôi kéo nhiều người, nhất là những người bỏ tiền đầu tư vào cuộc chơi họ không hiểu hết, bất chấp logic thông thường.

QAnon xoay quanh một thuyết âm mưu chính: Có một nhân vật cao cấp trong giới tình báo hay quân đội Mỹ ẩn danh dưới mật hiệu Q, tiết lộ dần dần chuyện thế giới hiện nay đang bị một nhóm người núp trong bóng tối thao túng điều khiển. Bề ngoài nhóm người này đang là các chính trị gia, nhà văn, nhà báo, diễn viên điện ảnh, doanh nhân nổi tiếng nhưng thực chất họ là những kẻ xấu xa, phạm đủ thứ tội tày đình và Donald Trump được giới quân đội Mỹ cử ra làm tổng thống để điều tra, bắt giam và trừng trị những nhóm người này.

Bài viết của Financial Times nêu bật sự phi lý bề ngoài của phong trào QAnon nhưng nhấn mạnh phẩy tay vất bỏ chuyện QAnon như chuyện khùng điên là cách ứng xử sai lầm làm càng nhiều người tin vào nó. Đồng tiền bitcoin cũng vậy: tự nhiên nó được xem là tiền, được trao cho một giá trị, có lúc tăng vọt bất kể mọi quy luật. Cả hai đều đang được xây dựng trên những nền câu chuyện y như nhau; còn kết luận cả hai sẽ đi về đâu thì tùy nhãn quan và viễn kiến của từng người.

Đầu tiên cả bitcoin lẫn QAnon đều do những người bí ẩn lập ra. Một nhân vật tên là Satoshi Nakamoto chính là người đầu tiên đưa ra những quy tắc chi phối hoạt động của bitcoin. Chưa ai từng gặp mặt ông này cho nên nhiều người nay cho rằng đây chỉ là một cái tên ảo, đại diện cho cả một nhóm người, có thể thuộc một tập đoàn nào đó hay thậm chí của cơ quan tình báo một nước nào đó.

Còn QAnon khởi nguồn từ các đoạn viết ngắn do một nhân vật ký tên Q đưa lên các diễn đàn trực tuyến. Người ta cũng phỏng đoán Q có thể là người trong bộ máy chính quyền Mỹ, giữ chức vụ cao hay thậm chí đây là bí danh của một nhóm người cùng chia sẻ mật mã truy cập tài khoản.

Động cơ của Satoshi khi tạo ra bitcoin là chống lại việc kiểm soát Internet, kiểm soát hệ thống ngân hàng, phản đối việc dùng tiền đóng thuế của dân để cứu ngân hàng; động cơ của Q theo các tuyên bố là “dọn dẹp, làm sạch hệ thống dân chủ phương Tây”.

Cả hai đều phát triển, lan rộng ra nhờ vào một cộng đồng gắn kết, bỏ công sức để phổ biến chúng. Cả hai dựa vào thuyết âm mưu - một bên cho rằng hệ thống tài chính đã hư hỏng nặng, giới tài phiệt chỉ chăm chăm kiểm soát dòng tiền để làm lợi cho mình; bên kia khẳng định bộ máy nhà nước, kể cả các định chế lâu đời như báo chí cũng đã hư nát, bị kẻ xấu len lỏi vào nhằm kiểm soát như những chiếc vòi bạch tuộc. Khẩu hiệu của cả hai gần như giống nhau: “Không ai có thể cản đường bitcoin” và “Không ai có thể cản đường chuyện sắp xảy ra” (mặc dù câu sau của QAnon thật vô nghĩa).

Q thường viết các mẩu mơ hồ, người đọc phải tìm cách giải mã để hiểu thông điệp của Q muốn nói gì. Người theo bitcoin phải giải các bài toán ngày càng phức tạp để sử dụng đồng tiền này. Cứ thử mở bất kỳ tài liệu nào viết về “bằng chứng công việc” của bitcoin, chúng ta sẽ thấy nó mờ ảo, khó hiểu, nấp sau những từ ngữ, khái niệm xa lạ. Thế nhưng người đã tin vào bitcoin hay bất kỳ một loại tiền mật mã nào cũng sẽ gật gù tin tưởng hoàn toàn. Chuyện đó thử hỏi khác gì một thuyết âm mưu mới do QAnon đưa ra kèm theo những “bằng chứng lý thuyết” cũng khó hiểu, phi logic, cũng kèm theo những từ ngữ xa lạ không kém.

Điểm đặc biệt, cả bitcoin lẫn QAnon trở thành hiện tượng phổ biến là nhờ những nhân vật không tiếc lời ca ngợi, không tiếc lời phản bác bất kỳ ai chống lại; những nhân vật này nhờ tài ăn nói, nhờ lối lập luận chặt chẽ đã làm nhiều người trước lung lay nay tin tưởng tuyệt đối. Tờ Financial Times còn liệt kê nhiều điểm tương đồng giữa bitcoin và QAnon như cách thức “đào tiền”, “theo vết tích Q để lại”, công nghệ nền tảng một bên là blockchain một bên phân phối bằng mạng xã hội…

Tuy nhiên điều báo này chưa nói hết là cả hai đều đang bị nhiều phe phái lợi dụng: từ bitcoin đẻ ra hàng loạt tiền mật mã khác, đa phần là lừa đảo, giới tội phạm cũng ưa dùng bitcoin làm đồng tiền tội ác; nhiều chính trị gia cũng lợi dụng QAnon để tô bóng tên tuổi cho mình; các thuyết âm mưu tai hại cứ tiếp tục sản sinh. Cả hai nếu cứ lan ra sẽ có thể làm nảy sinh các thế giới song song, có thể thành hệ thống tài chính ảo, chính quyền ảo không xa.

Quốc Vũ