Bất động sản công nghiệp tấp nập đón khách

00:00 12/10/2020

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn nước ngoài đã tìm đến Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đặt vấn đề thuê mặt bằng khu công nghiệp. Không riêng với KBC, nhiều khu công nghiệp khác đang bận rộn đón nhà đầu tư đến tìm hiểu.

Ảnh Shutterstock

Nhiều tập đoàn lũ lượt tới tìm hiểu

Thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc KBC chia sẻ tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty diễn ra mới đây, nhiều tập đoàn nước ngoài đã tìm đến Công ty đặt vấn đề hợp tác như Tập đoàn Lenovo, Protex, Hanwha, Foxconn… Ða phần trong số này là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện điện tử.

“Chúng tôi có những khách hàng tiềm năng nên đã chuẩn bị quỹ đất lớn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong năm 2019”, bà Hương cho hay.

Theo KBC, năm nay, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung, Phúc Ninh, Tràng Duệ… để tạo ra sản phẩm có sẵn đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Khu đô thị Tràng Cát (Hải Phòng) cũng đang được KBC hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa vào khai thác.

Quỹ đất hiện nay của KBC đang quản lý là 5.188 ha cho phát triển khu công nghiệp, chiếm gần 5,5% tổng diện tích đất khu công nghiệp của cả nước. KBC đang tiến hành mở rộng quỹ đất tại Hải Dương và Hà Nội.

Với tình hình sôi động của thị trường bất động sản khu công nghiệp, KBC đặt mục tiêu kinh doanh 2019 tăng trưởng cao, với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 3.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.036 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với mức thực hiện năm 2018.

Giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam đang khá cạnh tranh so với mặt bằng của các nước trong khu vực. Ðó là nhận xét của ông Hans Kerstens, phụ trách kinh doanh Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng.

Theo ông Han, một nhà sản xuất chọn Việt Nam, ngoài vấn đề giá đất, họ còn quan tâm tới chi phí nhân công, giá điện, giá nước… Tính tổng cộng các chi phí ấy, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang có lợi thế để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến.

Báo cáo của JLL - tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản đến từ Mỹ cho hay, từ đầu năm đến nay, nhu cầu bất động sản khu công nghiệp tại phía Bắc tiếp tục tăng cao nhờ đà tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy trong quý I/2019 đạt trung bình ở mức 72% ở 5 thành phố, tỉnh năng động nhất vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, dẫn đầu là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. 

Giá cho thuê tăng cao

Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn giữ vững vị thế là một trong những điểm đến thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất ở phía Bắc. Cả hai tỉnh, thành này đều sở hữu tất cả các tiêu chí quan trọng để nâng đà tăng trưởng như: hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối với các thị trường tiêu dùng lớn được đồng bộ hóa, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía chính quyền tỉnh liên tục được cải thiện, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Trong quý I, nguồn cung mới tiếp tục gia nhập thị trường. Tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê thuộc 5 tỉnh, thành phố hàng đầu phía Bắc đạt 9.371 ha. Trong đó, Hải Phòng và Bắc Ninh đóng vai trò chính là trung tâm công nghiệp ở phía Bắc với đóng góp khoảng 63% tổng nguồn cung. Trên thực tế, các vị trí thuận lợi để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng.

Thị trường cũng ghi nhận giá thuê đất giữ đà tăng trưởng cao. Giá thuê đất trung bình trong quý I/2019 đạt 93 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Giá thuê trung bình của Hà Nội dẫn đầu với 138 USD/m2/chu kỳ thuê.

Nguyên nhân khiến giá thuê ở Hà Nội thiết lập mức cao là do nguồn cung hạn chế và sở hữu thị trường tiêu dùng lớn. Giá thuê cho nhà xưởng xây sẵn dao động từ 4 - 5 USD/m2/tháng với thời hạn thuê tối thiểu 3 - 5 năm. Mức giá thuê này không có nhiều thay đổi so với lần cập nhật trước.

Trong tương lai, khoảng 13.077 ha quỹ đất công nghiệp từ 5 tỉnh được dự báo sẽ gia nhập thị trường phía Bắc, chủ yếu đến từ Bắc Ninh, Hải Phòng và Hà Nội.

Theo phân tích của ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, mức lương sản xuất trung bình của Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với các nước khác trong khu vực. Ðây là một trong những lý do chính để có sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI từ thị trường lớn là Trung Quốc tới Việt Nam. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam còn tới từ nhiều chính sách ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân...

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản công nghiệp. Ðây cũng lý do nhiều doanh nghiệp bất động sản xác định mở rộng hướng phát triển bất động sản công nghiệp như Sam Holding, Becamex, Long Hậu, VSIP…

Hải Yến